|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất sẽ theo xu hướng nào trong năm 2017?

07:16 | 25/04/2017
Chia sẻ
Năm 2016 khép lại đã không hoàn thành chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, khi chỉ đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch 6,7%. Bước sang năm 2017, mặc dù đứng trước nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài nhưng vẫn quyết tâm để đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% và lạm phát bình quân cả năm tăng không quá 4% nhằm giữ cho mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi

Kết thúc quý I/2017, mặc dù Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, cũng như triển khai nhiều giải pháp nhưng kết quả thu được vẫn ở mức rất thấp so với cùng kỳ của năm 2015 và 2016. Theo đó, tăng trưởng GDP trong quý I/2017 chỉ đạt 5,10%, thấp hơn so với con số 6,12% của năm 2015 và 5,48% của năm 2016. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi.

Thứ nhất, thâm hụt thương mại đang có xu hướng quay trở lại. Nếu cán cân thương mại thâm hụt ở mức cao sẽ gây áp lực rất lớn lên tỉ giá. Thứ hai, lạm phát đang đối mặt với nhiều áp lực khi mà Chính phủ đang buộc phải điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giá điện sinh hoạt trong năm 2017 sau nhiều lần trì hoãn. Thứ ba, lãi suất đang đối mặt với áp lực tăng.

Nguyên nhân là do NHNN sẽ rất khó có thể mua được lượng ngoại tệ lên tới 10 tỷ USD như diễn biến của năm 2016 để giữ cho thanh khoản của toàn hệ thống luôn trong trạng thái dư thừa. Do đó, cung tiền từ NHNN sẽ giảm xuống, buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động trên thị trường 1. Trong đó, giải pháp tích cực và hiệu quả nhất từ phía các ngân hàng là tăng lãi suất huy động vốn từ khách hàng.

Diễn biến của lãi suất sẽ theo chiều hướng nào?

Ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng đang là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay. Tuy nhiên, diễn biến của lãi suất trong thời gian tới lại phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của Chính phủ khi buộc phải dành sự ưu tiên của mình vào một trong 2 mục tiêu trên, kiểm soát lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% trong cả năm 2017 thì GDP trong 9 tháng còn lại phải tăng 7%. Kết quả này được xem là vô cùng thách thức vào thời điểm hiện tại. Do đó, nhiều khả năng Chính phủ sẽ ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Mặc dù CPI hằng tháng (MoM) vẫn tăng, nhưng CPI cả năm (YoY) đang có xu hướng giảm từ mức 4,74% vào cuối năm 2016 xuống 4,65% vào tháng 3.2017. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát lạm phát bình quân cả năm dưới 4% đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi, giá cả các loại hàng hóa cơ bản đang có xu hướng giảm sau khi đã tăng mạnh trong cả năm 2016, đặc biệt là giá dầu mỏ. Do đó, lạm phát cơ bản trong tháng 3.2017 ở mức 0% và dự báo sẽ ở mức âm trong tháng 4.2017.

Hơn nữa, Chính phủ cũng sẽ chia nhỏ các đợt điều chính giá dịch vụ y tế và điện nhằm tránh hiệu ứng tâm lý lan truyền sang các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, để kiểm soát lạm phát thì NHNN cũng sẽ buộc phải kiểm soát chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ hơn, hạn chế tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán hay cho vay tiêu dùng.

Nếu lạm phát được giữ ở mức bình quân 4% trong cả năm 2017 thì nhiều khả năng lãi suất sẽ lặp lại diễn biến của năm 2016, tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm, sau đó giảm nhẹ và đi ngang đến hết năm, dùy trì mức ngang bằng so với cuối năm 2016.

Các doanh nghiệp cần làm gì?

Rủi ro về lãi suất trong năm 2017 được cho là ở mức thấp. Tuy nhiên, để chủ động nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh thì các doanh nghiệp nên xây dựng hạn mức vay vốn tại các ngân hàng ngay từ đầu năm. Việc sử dụng vốn sẽ linh hoạt theo các khế ước nhận nợ.

Để đáp ứng nguồn vốn dài hạn thì bên cạnh nguồn vốn tín dụng, các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu riêng lẻ (Private placement) cho một số các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư trong (Onshore) và ngoài nước (Offshore). Đây được xem là phương án có chi phí thấp hơn so với vay ngân hàng nếu dự án có tính khả thi cao.

Đồng Hoàng

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.