Lãi suất cho vay - công khai và minh bạch
Từ 2011-2016, Ngân hàng Nhà nước đã tạo được những thay đổi quan trọng trong điều hành lãi suất; cơ chế trần lãi suất huy động VND từng bước được gỡ bỏ, đường cong lãi suất đã định hình hợp lý hơn. |
Cần niêm yết lãi suất cho vay
Lướt qua trang tin điện tử của các ngân hàng, khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về các sản phẩm ngân hàng đang cung cấp, trình tự thủ tục, lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ... Gần đây, một số ngân hàng còn cung cấp các công cụ tính toán để giúp khách hàng tính lãi được nhận cho các khoản tiền gửi theo giá trị và kỳ hạn mà khách hàng nhập vào.
Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay thì rất ít thông tin được niêm yết công khai. Thậm chí, khi khách hàng gọi điện đến ngân hàng để hỏi thì cũng hiếm khi nhận được thông tin cần thiết. Thay vào đó, nhân viên ngân hàng đề nghị khách đến ngân hàng để được tư vấn trực tiếp. Điều này được giải thích là do các ngân hàng không muốn phổ biến giá bán của mình vì e ngại không đủ mức độ cạnh tranh, do chi phí vốn mỗi ngân hàng là khác nhau. Ngoài ra, mỗi loại khách hàng có thể sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay khác nhau. Điều này khiến khách hàng mất thời gian tìm hiểu và khó khăn trong việc so sánh lãi suất vay giữa các ngân hàng.
Trong những đợt hiếm hoi giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng chỉ công bố mức giảm lãi suất là bao nhiêu và dành cho đối tượng nào, còn cụ thể một sản phẩm vay đang được áp dụng theo lãi suất nào thì khách hàng gần như không biết được, nếu như không trực tiếp vay vốn tại ngân hàng. Riêng đối với các gói cho vay ưu đãi thì các ngân hàng có công bố mức lãi suất ưu đãi, nhưng thông thường thì mức lãi suất này chỉ có giá trị trong một thời hạn nhất định và sau đó sẽ được thả nổi theo lãi suất thị trường. Do đó, khách hàng cũng khó có thể dự toán được chi phí lãi vay để lên kế hoạch tài chính phù hợp.
Nhằm triển khai Quyết định số 1355/QĐ-NHNN ngày 28-6-2016 về ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, từ tháng 7-2016 NHNN đã yêu cầu các TCTD phải định kỳ hàng quí báo cáo các giải pháp đã thực hiện, trong đó phải báo cáo tình hình công khai trên trang tin điện tử của tổ chức về thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ đối với khách hàng, bao gồm: trình tự các bước thực hiện, yêu cầu, thành phần, số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết và lãi suất cho vay.
Trong thời điểm cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, hoạt động của ngân hàng đang hướng đến khách hàng nhiều hơn thì những chiêu trò và sự mập mờ trong giá bán như trên có thể làm khách hàng mất dần niềm tin vào việc cung cấp sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. |
Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các TCTD phải rà soát việc xác định mức phí đối với từng loại dịch vụ, xây dựng lộ trình giảm phí đồng thời loại bỏ các loại phí không hợp lý liên quan đến hoạt động cho vay. Thực tế đã có một số ngân hàng xây dựng lộ trình sớm niêm yết lãi suất cho vay trên trang tin điện tử của mình, có thể bắt đầu từ quí 4 năm nay hoặc đầu năm sau.
Hiện tại các ngân hàng đều định kỳ cập nhật khung lãi suất cho vay trong nội bộ hệ thống, bao gồm các thông tin về lãi suất cho vay áp dụng theo từng sản phẩm ứng với từng loại tài sản đảm bảo và xếp hạng tín dụng của khách hàng. Tuy nhiên, những thông tin như vậy hiếm khi được truyền đạt đến khách hàng, do đó có nhiều trường hợp khi khung lãi suất cho vay đã giảm nhưng do khách hàng không biết nên các chi nhánh vẫn không giảm lãi suất cho khách hàng. Vì vậy, việc sớm niêm yết khung lãi suất cho vay là cần thiết đối với khách hàng cũng như tăng tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng.
Làm rõ lãi suất cơ sở
Như đã nói, các ngân hàng thường công bố các gói vay với lãi suất ưu đãi vào thời điểm cuối năm và mức lãi suất ưu đãi này có thể áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, sau đó thì lãi suất sẽ thả nổi theo lãi suất cơ sở được ấn định bởi TCTD đó. Một số ngân hàng có niêm yết rõ ràng lãi suất cơ sở trên trang tin điện tử, một số khác lại không.
Về lãi suất cơ sở, một số ngân hàng trước đây lấy lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn là lãi suất cơ sở. Tuy nhiên, gần đây thì lãi suất cơ sở chủ yếu được chính các TCTD đó ấn định định kỳ. Các ngân hàng này thường lấy lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng của chính mình làm lãi suất cơ sở.
Vấn đề ở đây là có một số ngân hàng đã kéo lãi suất cơ sở lên cao bằng cách đẩy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hoặc kỳ hạn 13 tháng lên, với mục đích áp lãi suất cho vay cao đối với khách hàng sau khi hết giai đoạn áp dụng lãi suất ưu đãi. Nếu khảo sát lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng hiện nay sẽ thấy có khá nhiều ngân hàng áp mức lãi suất tiền gửi khá cao ở các kỳ hạn này, từ 7,2-7,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng và từ 7,2-7,8%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Một số ngân hàng thậm chí kéo lãi suất ở hai kỳ hạn trên cao hơn cả lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn dài hơn như 18 tháng, 24 tháng hay 36 tháng.
Về cơ bản, khi kéo lãi suất huy động lên cao sẽ đẩy chi phí huy động vốn của các ngân hàng lên cao, tuy nhiên các ngân hàng chỉ áp dụng mức lãi suất cao như thế cho các khoản tiền gửi từ 100 tỉ đồng, 200 tỉ đồng hoặc 500 tỉ đồng trở lên. Thực tế hầu như hiếm có khách hàng nào có lượng tiền lớn như thế mà lại chịu để nằm chết dí và tập trung tại ngân hàng, nên gần như lượng vốn huy động với giá trị lớn mà được áp dụng lãi suất cao như thế là không có, nên cũng sẽ không làm chi phí vốn của ngân hàng tăng lên.
Nhưng việc niêm yết lãi suất tiền gửi ở hai kỳ hạn trên cao như thế sẽ giúp ngân hàng có cơ sở để áp lãi suất cho vay cao đối với khách hàng như đã nói, từ đó có thể kéo giãn biên độ lãi suất cho vay - huy động ra và giúp ngân hàng tăng lợi nhuận. Tuy nhiên điều này cũng khiến nhiều khách hàng không lường trước được, dẫn đến không chủ động được kế hoạch tài chính sau khi hết giai đoạn được vay ưu đãi.
Thiết nghĩ trong thời điểm cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, hoạt động của ngân hàng đang hướng đến khách hàng nhiều hơn thì những chiêu trò và sự mập mờ trong giá bán như trên có thể làm khách hàng mất dần niềm tin vào việc cung cấp sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Về lâu dài, sẽ khiến khách hàng e ngại khi muốn sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Hệ quả là có thể tác động đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/