|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Là siêu cường kinh tế, tại sao Trung Quốc vẫn vay cả núi tiền từ Ngân hàng Thế giới?

09:21 | 24/03/2019
Chia sẻ
Ngân hàng Thế giới là tổ chức tài chính quốc tế với nhiệm vụ chính là giúp các quốc gia chậm phát triển thoát khỏi tình trạng nghèo khổ cùng cực. Vậy tại sao ngân hàng này lại cho Trung Quốc - một siêu cường kinh tế thế giới - vay những khoản tiền khổng lồ?
Là siêu cường kinh tế, tại sao Trung Quốc vẫn vay cả núi tiền từ Ngân hàng Thế giới? - Ảnh 1.

Các quốc gia vay tái thiết và phát triển nhiều nhất từ WB giai đoạn 2016-2018. Nguồn: Ngân hàng Thế giới, đơn vị: tỉ USD.

Thời Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc – một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa, một mực xa lánh Ngân hàng Thế giới (WB) – một tổ chức tài chính do phe Tư bản Chủ nghĩa thành lập.

Thế nhưng kể từ khi Trung Quốc bắt đầu hợp tác với WB vào năm 1980, nước này đã vay tổng cộng tới hơn 60 tỉ USD trong 4 thập kỉ.

Ngày nay, Trung Quốc có khối dự trữ ngoại hối khổng lồ khoảng 3.000 tỉ USD. Xét theo GDP, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Xét theo GDP điều chỉnh ngang giá sức mua (GDP PPP), Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới từ vài năm nay.

Là siêu cường kinh tế, tại sao Trung Quốc vẫn vay cả núi tiền từ Ngân hàng Thế giới? - Ảnh 2.

GDP điều chỉnh ngang giá sức mua PPP năm 2018 của một số quốc gia. Nguồn: Ước tính của Quĩ Tiền tệ Quốc tế IMF

Theo ước tính của trang Visual Capitalist, trong năm 2019, Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 33% vào tăng trưởng GDP tính theo ngang giá sức mua của toàn cầu, trong khi đóng góp của Mỹ là 11%.

Là siêu cường kinh tế, tại sao Trung Quốc vẫn vay cả núi tiền từ Ngân hàng Thế giới? - Ảnh 3.

Nguồn: VisualCapitalist.com

Hàng năm, Trung Quốc trực tiếp cho các quốc gia khác vay với tổng trị giá lớn hơn nhiều con số hơn 2 tỉ USD mà Trung Quốc vay của WB.

Vì vậy câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Phải chăng WB nên cho các quốc gia khác vay thay vì dồn tiền cho Trung Quốc?

Ngân hàng Thế giới là ai và làm gì?

Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở chính đặt tại thủ đô Washington, Mỹ, được thành lập sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 để giúp các quốc gia Châu Âu tái thiết và vực dậy nền kinh tế bị bom đạn tàn phá nặng nề. Nhiệm vụ của WB thay đổi theo thời gian, hiện nay là tài trợ cho sự phát triển của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình với mục tiêu xóa sổ tình trạng nghèo cùng cực.

Khi thu nhập bình quân đầu người hàng năm của một quốc gia vượt một ngưỡng nhất định (hiện vào khoảng 7.000 USD), quốc gia đó thường sẽ phải giảm vay nợ từ WB. Trung Quốc vượt ngưỡng 7.000 USD vào năm 2016 nhưng đến năm 2017, nước này lại vay từ WB nhiều nhất thế giới với số tiền lên tới 2,4 tỉ USD, tăng 400 triệu USD so với năm 2016.

Nguồn tiền của WB cũng không phải vô tận. Tổ chức này cho vay bằng tiền đóng góp của các thành viên và tiền lãi từ các khoản vay cũ và số lượng cũng rất hạn chế. Vì vậy, một đồng tiền cho Trung Quốc vay là một đồng tiền không thể dành cho một quốc gia khác trên thế giới, và nhiều chuyên gia cho rằng cho các quốc gia khác vay sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn là chủ Trung Quốc vay.

Ông Eswar Prasad, giáo sư kinh tế học tại Đại học Cornell nhận định: "Nhìn từ góc độ thuần túy kinh tế, không có lí do thuyết phục nào để WB tiếp tục cho Trung Quốc vay tiền. Trung Quốc không cần số tiền đó. Tôi cho rằng số tiền cho Trung Quốc vay có thể được dùng vào việc khác có lợi hơn".

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và thương mại quốc tế mà còn liên tục chỉ trích WB vì cho Trung Quốc vay quá nhiều.

Lợi ích của Trung Quốc và toan tính của WB

Ông Bert Hofman, Giám đốc quốc gia của WB tại Trung Quốc cho biết số tiền mà Trung Quốc vay từ WB chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng mức đầu tư nội địa của nước này. Ông cho rằng Trung Quốc vay tiền không phải chỉ vì tiền!

"Sở dĩ Trung Quốc vẫn vay vì họ cho rằng đội ngũ chuyên gia của WB rất có giá trị đối với họ", ông Hofman nói.

Các khoản vay của WB thường đi kèm với các tổ chức tư vấn và kiểm toán để giúp thực hiện và giám sát các dự án mà WB tài trợ. Thông qua các khoản vay, Trung Quốc tiếp cận được với các chuyên gia quốc tế giỏi.

Về phần mình, WB có thể duy trì mối quan hệ với Trung Quốc và có thể theo dõi tác động của các dự án mới đối với quốc gia thu nhập trung bình đang phát triển nhanh chóng này. Ông Hofman cho rằng đây là một thỏa thuận hai bên cùng có lợi.

Giáo sư Prasad cũng cho rằng WB nên duy trì quan hệ tài chính với Trung Quốc. Nhiều khoản vay mà WB dành cho Trung Quốc được dùng cho các dự án giải quyết biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiệm từ các nhà máy lớn của nước này.

"WB đang phải đối mặt với một vấn đề là nếu nó chỉ cho các quốc gia rất nghèo vay tiền, nó sẽ không có nhiều ảnh hưởng trong nhóm các quốc gia lớn, đang phát triển nhanh chóng. Vì vậy, WB – để có thể duy trì tầm ảnh hưởng và theo đuổi các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển xã hội – đã tiếp tục cho Trung Quốc vay tiền.

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Phát triển Toàn cầu phân tích về hoạt động cho vay của WB đối với Trung Quốc cho thấy, đa phần các khoản cho vay mới đều tập trung vào các khu vực sâu trong đất liền và còn nghèo khó. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng khoảng 38% các khoản vay mới được dành cho các dự án mà WB gọi là "hàng hóa công cộng toàn cầu" – tức là những vấn đề có tác động vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc như biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

"Ngày nay Trung Quốc là nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, và hạng mục được WB chi tiêu nhiều nhất cũng chính là để hạn chế ô nhiễm môi trường", ông Scott Morris, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Phát triển toàn cầu nhận định.

Tuy nhiên WB còn cho Trung Quốc vay để thực hiện các dự án nông nghiệp, giáo dục, đường xá. Ông Morris cho biết Trung Quốc đang nhận những khoản vay cho các dự án hạ tầng công nghiệp hoàn toàn không có "lợi ích toàn cầu" và cũng không phải để xóa tình trạng nghèo cùng cực. Các đối thủ của Trung Quốc cho rằng cho rằng việc gã khổng lồ Châu Á tiếp tục được nhận các khoản vay ưu đãi này là một lợi thế không công bằng trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Có đúng dân Việt nghèo hơn dân Lào?Có đúng dân Việt nghèo hơn dân Lào? Toan tính của ông Trump khi chọn người chỉ trích WB làm Chủ tịch WBToan tính của ông Trump khi chọn người chỉ trích WB làm Chủ tịch WB World Bank có thể trở thành công cụ để Mỹ đối đầu với Trung QuốcWorld Bank có thể trở thành công cụ để Mỹ đối đầu với Trung Quốc

Đức Quyền, Song Ngọc