Toan tính của ông Trump khi chọn người chỉ trích WB làm Chủ tịch WB
Tổng thống Mỹ đề cử ứng viên Chủ tịch WB gây tranh cãi |
Tổng thống Trump vừa đề cử ông David Malpass - một cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ làm Chủ tịch tiếp theo của Ngân hàng Thế giới (WB). Điều này có thể đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thay đổi đối với tổ chức cho vay phát triển trên quy mô toàn cầu như WB, do ông Malpass là người từng nhiều lần chỉ trích cách thức hoạt động của tổ chức này.
Ông David Malpass thời còn làm Kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Bear Stearns. Giữa cuộc khủng hoàng tài chính 2008, Bear Stearns phải được JP Morgan Chase mua lại để tránh thảm cảnh phá sản. Ảnh: Getty Images. |
Ông Malpass năm nay 62 tuổi, từng là Kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Bear Stearns giai đoạn 1993 - 2008. Tháng 8/2007, ông viết một bài báo trên tờ Wall Street Journal với tiêu đề: "Không cần hoảng sợ vì thị trường tín dụng" trong đó ông lập luận rằng: "Cả nền kinh tế và tăng trưởng việc làm đều không phụ thuộc vào thị trường nhà ở" và rằng "người mua nhà, nhiều khả năng là cả nền kinh tế đều sẽ hưởng lợi khi thị trường trở lại trạng thái bình thường.
Chỉ vài tháng sau, nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Đến tháng 3/2018, Bear Stearns phải được giải cứu bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York và ngân hàng khổng lồ JP Morgan Chase.
Không nản lòng bởi thất bại này, trong suốt nhiệm kì Tổng thống của ông Obama, ông Malpass kêu gọi Fed tăng lãi suất. Năm 2012, ông còn lập luận rằng giữ lãi suất ở mức thấp sẽ gây ra suy thoái. Fed vẫn giữ lãi suất thấp, suy thoái không xảy ra và đa phần các nhà kinh tế đều cho rằng nền kinh tế phục hồi vững chắc phần nhiều là do Fed duy trì lãi suất ngắn hạn gần 0%. Có người còn cho rằng Fed cần phải đẩy cả những lãi suất dài hạn xuống thấp hơn nữa.
Trong buổi lễ tuyên bố đề cử ông Malpass, Tổng thống Trump nói: "Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho WB. Chính quyền của tôi đã dành cho tổ chức tài chính này sự ưu tiên hàng đầu để đảm bảo rằng tiền thuế của người dân Mỹ được chi tiêu một cách thông minh và hiệu quả".
1. Tại sao Tổng thống Mỹ được chọn người đứng đầu WB?
Về mặt danh nghĩa thì Tổng thống Mỹ không có quyền lực này. Ông Trump chỉ đề cử một ứng viên tiềm năng cho vị trí này và quyết định cuối cùng sẽ do Ban Điều hành đại diện cho 189 quốc gia thành viên của WB đưa ra.
Tuy nhiên, theo một thỏa thuận không chính thức giữa Mỹ và Châu Âu thì WB luôn do một người Mỹ đứng đầu còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì luôn do một người Châu Âu làm lãnh đạo.
Hiện nay Giám đốc điều hành IMF là bà Christine Lagarde, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp. Mỹ đang là cổ đông lớn nhất của WB.
2. Tại sao lại có thỏa thuận này?
Thỏa thuận không chính thức này có nguyên nhân lịch sử sâu xa, từ thời hai tổ chức “chị em” này ra đời. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Harry Dexter White và nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes là những người tiên phong thúc đẩy thành lập WB và IMF.
Trong đó, IMF được thành lập để giám sát một hệ thống tỉ giá mới neo giá trị với đồng USD. WB sẽ tài trợ cho việc tái thiết Châu Âu sau khi bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Bộ trưởng White được kì vọng trở thành người đứng đầu IMF tuy nhiên sau đó ông White bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga và vị trí này thuộc về Bộ trưởng tài chính Bỉ Camille Gutt. Một nhà đầu tư người Mỹ là Eugene Meyer được bầu làm chủ tịch đầu tiên của WB và thông lệ bắt đầu từ đây.
3. Tại sao ông Trump lại chọn một người hay chỉ trích WB làm Chủ tịch WB?
Tổng thống Trump từng nói chính quyền của ông phản đối “tư tưởng toàn cầu hóa”, minh chứng là việc ông khơi mào một cuộc chiến bảo hộ thương mại, rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế, đe dọa rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nghi ngờ giá trị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngân hàng Thế giới, giống như NATO, là một biểu tượng của trật tự quốc tế pháp trị mà những người tiền nhiệm của ông Trump đã xây dựng và bảo vệ; tuy nhiên ông Trump cho rằng những tổ chức này chưa phục vụ đủ tốt cho lợi ích của người dân Mỹ.
Ở ông Malpass, Tổng thống Trump thấy một nhà kinh tế học kì cựu với kinh nghiệm làm việc tại trung tâm tài chính Phố Wall và hiểu cách thức làm việc của hệ thống chính trị Washington và ngoại giao quốc tế.
Ông Malpass từng là một quan chức cấp cao tại Bộ Tài chính dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và Kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Bear Stearns.
Ông Trump ít khi công khai chỉ trích WB, và con gái ông là Invanka lại rất có cảm tình với WB vì tổ chức này đã lập ra một quĩ tài trợ cho phụ nữ khởi nghiệp sau khi bà Ivanka đưa ra ý tưởng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ông David Malpass. Ảnh: Getty Images. |
4. Ông Malpass chỉ trích WB về những vấn đề gì?
Năm 2017, ông Malpass từng nói “chủ nghĩa đa phương đã đi quá xa” so với “những giá trị hợp lí của chính phủ, tự do và luật pháp”
Ông chất vấn nhu cầu thêm vốn của WB và tốc độ tăng lương của nhân sự tổ chức này. Tuy nhiên năm ngoái, ông đã ủng hộ việc WB tăng vốn thêm 13 tỉ USD. Ông cũng chỉ trích việc WB cho Trung Quốc vay số tiền khổng lồ mặc dù nước này có quá thừa các nguồn lực tài chính.
Tại một cuộc điều trần trước quốc hội Mỹ năm 2017, khi nói chung về những “tổ chức đa phương” giúp các quốc gia thoát nghèo kiểu như WB, ông Malpass cho biết: “Các tổ chức này tiêu rất nhiều tiền, và hoạt động không mấy hiệu quả. Họ thường tham nhũng khi thực hiện việc cho vay và không đưa lợi ích đến những người thực sự cần ở các quốc gia mà họ giúp.”
Những quan điểm này có thể sẽ là trở ngại cho đề cử vào chức Chủ tịch WB của ông Malpass bởi Ban Điều hành WB từng tuyên bố vị chủ tịch tiếp theo phải là người có cam kết mạnh mẽ đối với “hợp tác quốc tế”.
5. Nhiệm vụ của WB có thể thay đổi không?
Chuyện này đã từng xảy ra. Từ năm 1968 đến 1981, dưới thời Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara làm chủ tịch, WB định hướng tài trợ cho sự phát triển ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.
Ngày nay, nhiệm vụ chính thức của WB là chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực và giảm bất bình đẳng. Các tuyên bố công khai của ông Malpass cho thấy có vẻ ông sẽ tập trung vào đẩy mạnh tăng trưởng toàn cầu.
Trong một bài phát biểu hồi năm ngoái, ông bày tỏ hi vọng rằng các đợt cắt giảm thuế tại Mỹ có thể lan tòa thành những đợt cải cách “mang định hướng tăng trưởng” trên toàn thế giới
Ông Malpass còn xuất thân từ một chính quyền từng rút lui khỏi hiệp định Paris về thay đổi khí hậu, đúng lúc WB đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án vì môi trường.
6. Đã đến lúc chọn một Chủ tịch WB không phải người Mỹ?
Một số nhà bình luận cho rằng đã đến lúc. Giáo sư Joseph Stiglitz – nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel năm 2001 – từng kêu gọi “sự độc quyền lỗi thời và phản tác dụng”, đồng thời dẫn ra tình trạng kinh tế chắp vá ngày càng tăng tại các quốc gia đang phát triển.
Ban điều hành WB tỏ ra khá nhạy cảm với những chỉ trích kiểu này và tuyên bố vị chủ tịch tiếp theo của WB sẽ được lựa chọn dựa theo tài năng và các phẩm chất chứ không phải quốc tịch. Hạn chót để các quốc gia thành viên giới thiệu ứng viên của mình là ngày 14/3 tới đây.
Tính đến nay chưa có ứng viên nào đến từ các nước đang phát triển, và theo một nguồn tin thân cận, các quốc gia thành viên cũng tỏ ra không mấy hào hứng trong việc chống lại ý muốn của chính quyền Tổng thống Trump.
Một số chuyên gia cho rằng quyền bỏ phiếu của các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cần được điều chỉnh tăng lên để phù hợp với qui mô của nền kinh tế.
7. Đã từng có ai cạnh tranh với ứng cử viên của Mỹ chưa?
Đã từng có. Năm 2012, WB tìm người thay thế chức chủ tịch của ông Robert Zoellick, người từng là đàm phán viên thương mại chính của Mỹ. Hai người không mang quốc tịch Mỹ đã ra ứng cử là Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala và Cựu Bộ trưởng Tài chính Colombia Jose Antonio Ocampo.
Kết quả, ông Jim Yong Kim – một chuyên gia y tế cộng đồng do Tổng thống Barack Obama đề cử - đã giành chức Chủ tịch WB.
Năm 2005, Tổng thống George W. Bush đề cử cựu Bộ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz làm người đứng đầu WB. Nhiều người đặt ra nghi vấn về việc ông Wolfowitz không có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển để dẫn dắt tổ chức này. Kết quả ông Wolfowitz vẫn trúng cử Chủ tịch WB nhưng rồi từ chức vào năm 2007 sau vụ bê bối liên quan đến việc tăng lương cho bạn gái của ông.
Xem thêm |