'Kỳ lân' Việt VNG đang có gì khi ấp ủ tham vọng IPO tại Mỹ?
Quyết định lên Upcom vào đầu năm nay của VNG được xem là một bất ngờ. Được coi là Tencent của Việt Nam, từ lâu, VNG được đồn đoán sẽ niêm yết tại Mỹ.
“Thế nhưng 2020 không phải một năm tốt đẹp, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ, chưa nói đến lại là một công ty ít tiếng tăm hơn đến từ Việt Nam. Vì dụ, cổ phiếu của một công ty công nghệ Đông Nam Á khác là Sea đã giảm tới 80% trong năm 2022”, Alec Tseung, đối tác tại KT Capital Group, nói.
Theo Tech in Asia, vẫn có thông tin cho rằng VNG chưa từ bỏ tham vọng IPO tại Mỹ và sẽ dùng sàn chứng khoán địa phương như một bàn đạp cho tham vọng này. Tech in Asia mới đây đã nghiên cứu bản cáo bạch của VNG để hiểu những gì đang diễn ra tại công ty này và mục tiêu tiếp theo là gì.
Game online: Liệu có thể vẫn là một nhân tố thay đổi cuộc chơi?
Tương tự Sea, VNG có “gốc” ở mảng game. Hiện tại, mảng này vẫn đang đóng góp 70% đến 80% tổng doanh thu. VNG vận hành và phân phối game từ các studio khác. Bên cạnh đó, nó cũng tự phát triển một số tựa game.
Doanh thu mảng game online của VNG ghi nhận tăng 29% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu mảng này lại giảm 12,7% trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ trong năm 2021. Đây cũng không phải một điều bất ngờ do nhu cầu các dịch vụ số giảm dần sau đại dịch.
Ngay cả “ông lớn” công nghệ Sea cũng ghi nhận xu hướng tương tự ở Garena, mảng giải trí số của Sea. Cần lưu ý rằng VNG không có một tựa game tự phát triển nào có quy mô đạt đến như Free Fire của Sea. Dù vậy, VNG có nhắc đến một số bước phát triển mới ở thị trường nước ngoài của các trò chơi như Dead Target và một số trò chơi khác do ZingPlay Studio (ZPS) phát hành sau khi đầu tư mạnh hơn cho các thị trường nước ngoài từ năm 2021.
ZPS và MadPoly Studio, studio đứng sau Dead Target, vẫn sẽ tiếp tục là hai động lực chính đằng sau việc đẩy mạnh mảng game của VNG bên ngoài Việt Nam.
Mặt khác, hội đồng quản trị VNG mới đây cũng cho biết toàn bộ số vốn từ đợt bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ gần đây sẽ được dùng vào mục đích chi phí nhượng quyền cũng như marketing cho các trò chơi như PUBG Mobile hay Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile trong hai năm tới. Điều này cho thấy VNG vẫn sẽ dầu tư mạnh vào các trò chơi đến từ các nhà phát triển bên thứ ba như Garena, Tencent, và Kingsoft.
Zalo – siêu ứng dụng hay không?
VNG phát sinh khoản lỗ gần 33 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022 với lý do đến từ tăng đầu tư cho các công ty con và công ty có liên quan khác.
VNG cũng báo lỗ thêm 23 triệu USD trong quý IV/2022. Đặc biệt, VNG đã liên tục “bơm tiền” cho Zion, công ty vận hành ví điện tử ZaloPay. Năm 2022, VNG tăng sở hữu Zion từ 60% lên 69%.
Theo báo cáo State of Mobile 2023 của Data.ai, ZaloPay chỉ xếp số 6 về số lượng người dùng hoạt động hàng tháng tại Việt Nam ở mảng ứng dụng dịch vụ tài chính. Trong cùng báo cáo, ZaloPay không có mặt trong top 10 ứng dụng tài chính về lượt tải về.
Trong một bài phỏng vấn độc quyền với Tech in Asia vào tháng 7/2022, Nguyễn Công Chính, giám đốc vận hành, nói rằng VNG ưu tiên tính năng nhắn tin hơn là thêm vào nhiều tính năng khác.
Bản cáo bạch của VNG cho thấy VNG vẫn muốn theo đuổi hai chiến lược khác nhau: Zalo, dịch vụ nhắn tin cho cá nhân và doanh nghiệp và ZaloPay, ví điện tử. Tech in Asia nhận định ZaloPay không phải trung tâm của chiến lược siêu ứng dụng của VNG.
Tin tốt là mảng thanh toán, tài chính và dịch vụ đám mây của VNG đang tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm 2022, mảng này mang về gần 12% tổng doanh thu, so với con số 5% của năm 2022. Dù vậy, hiện chưa rõ VNG đang chuẩn bị những gì để cạnh tranh bên ngoài mảng game.
Chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết kép?
Các chuyên gia ngành nói rằng mục tiêu của VNG là niêm yết tại nước ngoài thông qua VNG Limited.
Hiện tại, VNG Limited, một pháp nhân được thành lập ở Cayman Islands vào ngày 1/4/2022, đang nắm giữ 61% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của VNG. Cổ đông nước ngoài này cũng đang nắm 49% cổ phần công ty.
Nếu niêm yết ở nước ngoài, VNG có thể sẽ sử dụng mô hình sở hữu đặc biệt (variable interest entity hay VIE). Với mô hình này, VNG sẽ ở một pháp nhân nước ngoài để các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. VIE đã được nhiều công ty Trung Quốc như Alibaba hay JD.com sử dụng để vượt qua các yêu cầu IPO ngặt nghèo ở quê nhà, theo Reuters.
Ngay cả khi VNG giải quyết được các rào cản pháp lý và niêm yết tại nước ngoài, nó vẫn phải đối mặt với một thử thách lớn: Liệu các nhà đầu tư có nhận thấy nó đủ hấp dẫn trong khi việc kinh doanh vẫn chủ yếu được thực hiện tại thị trường nội địa?
“Khi các công ty đang cố gắng đa dạng hoá mảng kinh doanh ra bên ngoài mảng game và xây dựng một hệ sinh thái, giống nhiều công ty công nghệ ở Châu Á khác đang làm, VNG có thể sẽ tiếp tục lỗ. Điều này không quá thuận lợi ở thời điểm hiện tại khi các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận thay vì tăng trưởng đơn thuần”, Tseung của KT Capital Group nói