Doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi lớn nhờ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi
Trung Quốc là thị trường hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp đa quốc gia vì có dân số khổng lồ và tầng lớp trung lưu ngày càng lớn. Tuy nhiên, chính sách Zero COVID đã làm tổn thương nền kinh tế thứ hai thế giới và làm sụt giảm doanh thu của nhiều doanh nghiệp Mỹ kinh doanh tại đây.
Sau khi chấm dứt chính sách chống dịch hà khắc vào cuối năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong quý I. Trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ cho biết nhu cầu ở Trung Quốc đang phục hồi, thúc đẩy doanh thu tổng thể trong lúc nhiều người tiêu dùng Mỹ giảm bớt chi tiêu.
Nhà phân tích Kelly Kim cho biết nhóm chuyên gia của Morgan Stanley dự kiến cuộc phục hồi sẽ diễn ra theo ba giai đoạn: kỳ nghỉ xuân từ tháng 2 đến tháng 4, “mua sắm phục thù” từ tháng 5 đến tháng 7 và quá trình phục hồi dần ổn định đầu từ tháng 8.
Nhóm nhà hàng khởi sắc
Các nhà hàng Mỹ tại Trung Quốc nhận thấy nhu cầu đang tăng trở lại, nhưng vẫn chưa bằng mức trước đại dịch.
Starbucks cho biết doanh số bán hàng ở Trung Quốc đã đảo ngược đà giảm gần đây và tăng 3% trong quý vừa qua. Một năm trước, chuỗi cafe này phải ngừng công bố dự báo triển vọng cho cả năm và một trong những lý do được đưa ra là các đợt phong tỏa ở Trung Quốc. Trong quý đó, doanh số bán hàng của Starbucks Trung Quốc lao dốc 23%.
Yum China - công ty vận hành các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng như KFC, Taco Bell, Pizza Hut ở Trung Quốc – cũng ghi nhận doanh số bán hàng tăng 8% trong quý I. Tờ CNBC cho biết Trung Quốc lần lượt là thị trường lớn nhất và lớn thứ hai của KFC và Pizza Hut.
Công viên và bán lẻ lữ hành
Người dân Trung Quốc có vẻ đang lên đường đi du lịch trở lại sau khi các hạn chế di chuyển được dỡ bỏ. Địa điểm yêu thích của họ bao gồm công viên giải trí và casino. Sự gia tăng của chi tiêu cho du lịch và giải trí đã giúp ích cho hàng loạt doanh nghiệp Mỹ trong đầu năm 2023.
Tại buổi họp với các nhà phân tích sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I, Disney tán dương “kết quả tài chính được cải thiện” tại các resort ở Thượng Hải và Hong Kong. CFO Christine McCarthy của Disney phát biểu: “Chúng tôi cực kỳ phấn khởi khi chứng kiến sự phục hồi của Trung Quốc sau giai đoạn đóng cửa thời đại dịch”.
Airbnb cho biết trong quý vừa qua, chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương của công ty đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay cho lượt đặt phòng nghỉ qua đêm và hoạt động trải nghiệm.
Airbnb đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vào năm 2022, ngừng hỗ trợ việc đặt phòng tại đại lục để tập trung giúp người tiêu dùng Trung Quốc tìm phòng nghỉ tại nước ngoài.
Lá thư gửi cổ đông hàng quý của Airbnb viết: “Chúng tôi rất phấn chấn vì Trung Quốc đã gỡ bỏ các hạn chế đi lại. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán hoạt động du lịch nước ngoài sẽ chỉ phục hồi từ từ do công suất bay còn hạn chế”.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang gặt hái lợi ích từ quá trình phục hồi của Trung Quốc, nhưng các công ty trong ngành bán lẻ lữ hành (travel retail) vẫn chưa chứng kiến sự khởi sắc tương tự.
SK-II, thương hiệu chăm sóc da của Procter & Gamble, chứng kiến doanh số tại Trung Quốc tăng trở lại, trừ phân khúc bán lẻ lữ hành. Xét tổng thể, doanh số tự thân của Procter & Gamble ở Trung Quốc đã đi lên 2%. Trong bối cảnh ngày càng nhiều người Trung Quốc quyết định đi du lịch, đại gia hàng tiêu dùng của Mỹ kỳ vọng doanh thu sẽ phục hồi hơn nữa.
Tuần trước, ông Scott Roe, CFO của Tapestry, cho biết công ty thời trang này đã bắt đầu nhận thấy sự gia tăng của khách du lịch nội địa, bao gồm cả ở Hong Kong và Macau.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng lượng khách Trung Quốc đi du lịch quốc tế vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Dù vậy, vị CFO tin rằng tiềm năng của ngành du lịch Trung Quốc có thể mở ra cơ hội trong tương lai.