Kinh tế toàn cầu có thể phục hồi ở mức 3,4% vào năm 2020
IMF vừa dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ nhích lên 3,4% vào năm 2020.
Theo các chuyên gia của IMF, nhờ vào triển vọng kinh tế tích cực ở một loạt các thị trường đang nổi tại Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Âu, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có dấu hiệu hồi phục.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cũng cho rằng, tăng trưởng diện rộng là điều có thể đạt được trong năm 2020 với điểm sáng nằm ở tiêu dùng và tiền công lao động tăng, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, sự giảm tốc đồng loạt diễn ra tại các nền kinh tế lớn và tập trung vào lĩnh vực chế tạo, đầu tư và thương mại khi các mức thuế quan và sự bất ổn liên quan đến chính sách gia tăng đã tác động tiêu cực tới niềm tin của doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng dành cho ô tô và các phương tiện giao thông.
Sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ đang diễn ra trên thực tế với mức độ đáng kể, song nếu không dẫn tới tình trạng mất việc làm và làm giảm mức tăng trưởng thu nhập thì khó có thể trở thành một cuộc suy thoái kinh tế toàn diện.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế ở phần còn lại của thế giới thậm chí còn chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn, nhất là ở các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế như Trung Quốc và Đức.
Cụ thể, tăng trưởng GDP của các khu vực đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đều được điều chỉnh giảm lần lượt xuống còn 2,4%, 6,1% và 1,2% so với mức 2,6%, 6,2% và 1,3% trong báo cáo tháng 7/2019.
Kinh tế gia trưởng IMF Gita Gopinath cho rằng, kinh tế thế giới hiện ở thời điểm suy yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thế giới đang bước vào giai đoạn giảm tốc xen phục hồi không chắc chắn, với triển vọng khá bấp bênh.
Bên cạnh rào cản tăng trưởng chính xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, những nguyên nhân đẩy kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng bao gồm những bất ổn địa chính trị toàn cầu như Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hay những điểm nóng liên quan đến tình hình Trung Đông.
Có thể thấy, tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 2 năm trở lại đây đã thấp hơn tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với tổng mức trao đổi hàng hóa trong năm 2019 được dự báo chỉ tăng 1,9%. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra sau nhiều thập niên bùng nổ toàn cầu hóa.
Điều này cũng cho thấy thương mại không còn là động lực của tăng trưởng toàn cầu. Đây sẽ là thách thức rất lớn, bởi thương mại có liên quan chặt chẽ đến đầu tư và lòng tin doanh nghiệp. Giới đầu tư quốc tế có xu hướng trì hoãn, đóng băng các kế hoạch đầu tư do môi trường bất trắc.
Trong khi đó, bất đồng thương mại lại đang diễn ra ở mức độ gay gắt nhất trong nhiều năm trở lại đây: Ngoài xung đột thương mại Mỹ-Trung, câu chuyện tranh chấp Nhật Bản-Hàn Quốc, đối đầu Mỹ-EU trong đánh thuế kỹ thuật số, xe ô tô và phụ tùng ô tô… đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi sản xuất toàn cầu.
Mặt khác, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang không có khả năng thúc đẩy nghị trình tự do hóa thương mại.
Ngay cả Cơ quan phúc thẩm, đầu mối thường trực giải quyết tranh chấp của WTO, cũng đang đứng trước nguy cơ chính thức bị vô hiệu hóa vào ngày 11/12 tới, do chỉ còn lại 1 thành viên do Mỹ kiên quyết bác bỏ việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thành viên.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện không có nhiều báo cáo về tình trạng mất việc làm lan rộng cho thấy sự giảm tốc kinh tế nói trên đến nay chỉ cho thấy đợt ảnh hưởng đầu tiên.
Hiện nay, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn khá "bấp bênh" và khó dự đoán chính xác vì các chỉ số còn phụ thuộc vào sự thay đổi về chính sách.
Mỹ và Trung Quốc đang cho thấy những nỗ lực để tiến tới một thỏa thuận sơ bộ, nhưng nguy cơ bất ổn vẫn còn nguyên khi nhiều rào cản, biện pháp bảo hộ khác có thể sẽ được dựng lên, đặc biệt là ở một số ngành then chốt nhạy cảm với thương mại.
Do đó, về cơ bản, các quốc gia cần một loạt nỗ lực, chính sách quyết liệt để xuống thang xung đột thương mại, phục hồi hợp tác đa phương, hỗ trợ kịp thời hoạt động kinh tế, xử lý những điểm nghẽn tài chính đe dọa tăng trưởng trung hạn.