|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế tháng 4: Còn nhiều điểm sáng

05:34 | 05/05/2020
Chia sẻ
Bức tranh kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng trong đó nổi bật nhất là kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát tiếp tục giảm tốc.

Cả cung và cầu đều sụt giảm

Bức tranh kinh tế tháng 4 cho thấy những tác động ngày càng rõ nét hơn của đại dịch Covid-19 khi mà cả cung và cầu đều sụt giảm mạnh. Theo đó về phía cung, sản xuất công nghiệp giảm tới 13,3% so với tháng trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên sản xuất công nghiệp giảm trong giai đoạn 2016-2020.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cũng chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp”, Tổng cục Thống kê nhận định trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 vừa được công bố cuối tuần trước.

Kinh tế tháng 4: Còn nhiều điểm sáng - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp giảm mạnh vì giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19

Không chỉ tác động tới sản xuất mà đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng tiêu cực tới tổng cầu của nền kinh tế khi mà các hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.

Số liệu thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính giảm tới 26% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%.Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%.

Cầu nước ngoài cũng sụt giảm mạnh khi dịch bệnh bùng phát và lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vì thế kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2020 ước tính đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 82,94 tỷ USD, chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Dịch bệnh cũng khiến vốn đầu tư nước ngoài, cả đăng ký và giải ngân, sụt giảm.

Cụ thể, tính đến ngày 20/4/2020, tổng vốn  đầu tư nước ngoài, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trên thị trường chứng khoán vẫn chứng kiến xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư ngoại.

Điều đó cho thấy tăng trưởng quý 2 có lẽ sẽ chịu tác động mạnh hơn so với quý đầu năm. Diễn biến này cũng đã được giới chuyên môn dự báo trước.

Trong Báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (phát hành ngày 10/4/2020), TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng trong năm 2020.

Trong đó, kịch bản cơ sở được xây dựng với giả định dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát trong quý 2/2020 và các hoạt động kinh tế, xã hội sớm trở lại “bình thường” từ tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2020 thì tăng trưởng GDP quý 2 cũng chỉ ở mức 3,45-3,67%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 3,82% của quý 1, là mức tăng trưởng thấp nhất trong 11 năm trở lại đây.

Vẫn nhiều điểm sáng

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng trong đó nổi bật nhất là kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát tiếp tục giảm tốc.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020; qua đó kéo tốc độ tăng của CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước giảm xuống còn 4,9% từ mức 5,56% của 3 tháng đầu năm.

Thu chi ngân sách mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng tính đến giữa tháng 4, ngân sách vẫn bội thu 18,7 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, xuất khẩu mặc dù gặp nhiều khó khăn song vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương; cán cân thương mại vẫn thặng dư khoảng 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.

Điểm tích cực nữa là thị trường tiền tệ vẫn vững vàng, ổn định trước các tác động tiêu cực từ thị trường thế giới và trong nước. Không chỉ vậy, hiện hệ thống ngân hàng vẫn đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí, cho vay mới với lãi suất thấp… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động liên tục, song thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, hiện đã lên tới 84 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với thời điểm cuối năm 2015. Đây là một nguồn lực quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ với các cú sốc từ bên ngoài.

Hơn thế, hiện dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát và Chính phủ cũng đang nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát để tái khởi động lại nền kinh tế. Vì thế không ít ý kiến cho rằng, tháng 4 sẽ là đáy của nền kinh tế và sẽ phục hồi trở lại từ tháng này.

Tuy nhiên, hiện sức khỏe của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đã bị hao mòn khá nhiều vì dịch bệnh. Hơn nữa, chừng nào dịch bệnh chưa được kiểm soát trên bình diện toàn cầu thì lúc đó, chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn, hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu vẫn gặp khó.

Bởi vậy, mặc dù cho rằng xác suất xảy ra kịch bản kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ V là lớn nhất, song theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh kịch bản này cũng không quá nổi trội so với các kịch bản phục hồi theo hình chữ U, L hoặc W.

Thậm chí sự hồi phục cũng không hoàn toàn giống bất cứ mô hình nào trong 4 mô hình này do dịch bệnh rất khó nói trước và sức khỏe hệ thống ngân hàng thế giới cũng chưa được đánh giá cụ thể.

Trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được mở rộng cả về thời gian và quy mô để giúp phần lớn DN chống chọi, vượt qua được đại dịch, góp phần phục hồi và tái thiết nhanh nền kinh tế sau đại dịch.

Đơn cử như gói hỗ trợ về thuế, không chỉ là gia hạn mà cần miễn, giảm các khoản phải nộp của DN với thời gian đủ dài để DN có tích lũy.

Đặc biệt, trong bối cảnh cầu trong nước còn rất yếu, nhất là cầu từ khu vực DN, thì cần áp dụng tình huống đặc biệt hay cấp bách thực hiện chương trình đầu tư công với quy mô hợp lý. Bởi thúc đẩy đầu tư công sẽ kích thích đầu tư từ các khu vực khác và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, Chính phủ không nên quá chạy theo mục tiêu tăng trưởng nhanh trong năm nay, thay vào đó cần chú trọng đến việc ổn định kinh tế vĩ mô bởi kinh tế vĩ mô ổn định mới là nền tảng để tăng trưởng nhanh và bền vững trong các năm tới.

Anh Thư

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.