|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Mỹ bị kìm hãm vì người dân không đeo khẩu trang

16:51 | 13/07/2020
Chia sẻ
Việc rất nhiều người dân Mỹ có ác cảm với việc đeo khẩu trang đang cản trở quá trình phục hồi chậm chạp của nền kinh tế số một thế giới.
Kinh tế Mỹ bị kìm hãm vì người dân không đeo khẩu trang - Ảnh 1.

Thống đốc Texas phải thay đổi quan điểm về khẩu trang khi số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh. Ảnh: AP

Hôm 2/7, Thống đốc Greg Abbott của bang Texas - điểm nóng COVID-19 ở Mỹ đã buộc phải ra lệnh cho người dân đeo khẩu trang, mặc dù trong quá khứ ông từng phản đối ý tưởng này. Phát biểu trên đài truyền hình địa phương tuần trước, Thống đốc Abbott nói việc đeo khẩu trang sẽ "giúp nền kinh tế không phải đóng cửa lần nữa".

Hôm 10/7, ông Robert Kaplan, Chủ tịch chi nhánh Dallas của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhận định Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh hơn nếu mọi người dân đều đeo khẩu trang. Goldman Sachs ước tính lệnh bắt buộc đeo khẩu trang toàn quốc sẽ giúp nước Mỹ tránh được thiệt hại 5% GDP.

Kinh tế Mỹ bị kìm hãm vì người dân không đeo khẩu trang - Ảnh 2.

Tỉ lệ % người được khảo sát có đeo khẩu trang.

Nhưng hàng triệu người Mỹ, đặc biệt là những người ủng hộ Đảng Cộng hòa lại ngại đeo khẩu trang. Chính bản thân Tổng thống Donald Trump cũng nhiều lần xuất hiện trước công chúng nhưng không đeo khẩu trang, trái ngược với ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden.

Kết quả khảo sát của hãng phân tích và tư vấn Gallup cho thấy 98% người theo Đảng Dân chủ cho biết họ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà trong tuần vừa qua, cao hơn nhiều con số 66% của những người ủng hộ Đảng Cộng hòa.

Các chuyên gia y tế thậm chí cũng không thể đưa ra ý kiến thống nhất về chuyện khẩu trang. Dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mọi người đeo khẩu trang, tháng trước tổ chức này lại nói rằng "không có bằng chứng trực tiếp nào" cho thấy hiệu quả của việc đeo khẩu trang hàng loạt đối với những người khỏe mạnh.

Những quan chức y tế khác thì nói rằng dù khẩu trang không bảo vệ cho người đeo nhưng có thể ngăn người mắc COVID-19 lây nhiễm cho người khác.

Theo Bloomberg, quan điểm của giới chính trị gia có thể thay đổi trong bối cảnh một số nhà hoạch định chính sách nỗ lực tránh phải đóng cửa nền kinh tế trở lại. 

Tại Arizona, Thống đốc Doug Ducey ban đầu tỏ ra ngần ngại khi để các quan chức địa phương áp đặt lệnh yêu cầu người dân đeo khẩu trang. Nhưng trong vài tuần gần đây, khi số ca nhiễm COVID-19 mới tăng vọt, ông Ducey đã khuyến khích tất cả mọi người đeo khẩu trang.

Ông Eric Toner, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho rằng nếu không thực hiện biện pháp hạn chế lây lan virus như đeo khẩu trang, các hậu quả tới y tế và kinh tế sẽ càng trầm trọng hơn. "Và chúng ta sẽ buộc phải phong tỏa một lần nữa, khiến nền kinh tế bị tàn phá", ông Toner nói.

Áp dụng lệnh trong thực tiễn

Trong khi các doanh nghiệp lớn đang vận động hành lang để chính phủ ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, thì vẫn còn đó những câu hỏi về việc thực thi. Tại một số khu vực, việc đảm bảo lệnh được áp dụng trong thực tiễn chủ yếu lại đổ dồn lên những người kinh doanh.

Tuần trước, Thống đốc Laura Kelly của bang Kansas chỉ đạo người dân đeo khẩu trang nhưng các hạt được phép từ chối và việc thực thi lệnh là tùy thuộc vào chính quyền địa phương. Hạt Johnson là một trong những nơi tuân theo chỉ đạo của bà Kelly.

Theo Bloomberg, một nhà hàng có tên gọi là The Wooden Spoon tại hạt Johnson, Kansas đã đặt biển hiệu bên ngoài kêu gọi khách hàng đeo khẩu trang khi tới ăn. Cô Tina Yake, chủ nhà hàng cho biết: "Những ai không muốn đeo khẩu trang sẽ cáu kỉnh bỏ đi".

Dù một số khách hàng tức giận về chính sách trên, cô Yake cho biết nhà hàng chưa phải đối mặt tác động bất lợi, và yêu cầu đeo khẩu trang thậm chí có thể giúp ích cho việc kinh doanh.

"Chúng tôi đã được cảm ơn và khen ngợi vì ủng hộ việc đeo khẩu trang và làm mọi thứ có thể để giúp cho nhân viên và khách hàng an toàn", cô Yake nói.

"Vô cùng quan trọng"

Ông Alan Cobb, Chủ tịch Phòng Thương mại Kansas gọi các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội là "vô cùng quan trọng", nhưng cũng bày tỏ lo ngại.

"Các doanh nghiệp không nên phải chịu trách nhiệm về việc thực thi lệnh đeo khẩu trang", ông Cobb tuyên bố, và nói thêm rằng chính quyền bang và địa phương nên nói rõ yêu cầu đối với doanh nghiệp.

Ông Davis Senseman, một luật sư tại thành phố Minneapolis, cho biết các qui định của chính phủ chỉ là "nền tảng" và các doanh nghiệp có thể tự đưa ra thêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhân viên.

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.