|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế châu Âu có khả năng 'lội ngược dòng' trong năm nay?

22:30 | 21/04/2024
Chia sẻ
Từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đến đại dịch COVID-19 và căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế châu Âu dường như sẽ không mấy khả quan trong năm 2024.

Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/ TTXVN).

Sau 15 năm trải qua những cú sốc về kinh tế, từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đến đại dịch COVID-19 và căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế châu Âu dường như sẽ không mấy khả quan trong năm 2024. Nhưng liệu còn cơ hội nào để châu Âu đảo ngược tình thế hay không?

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng mạnh và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Hơn nữa, Đức còn tự làm trầm trọng hơn những khó khăn kinh tế trong nước khi giảm hay hủy nhiều cải cách mang định hướng thị trường thời cựu Thủ tướng Gerhard Schröder, yếu tố đã từng làm nòng cốt cho đà tăng trưởng mạnh mẽ của nước này.

Dù các chuyên gia hàng đầu dự đoán Đức sẽ tránh được một đợt suy thoái trong năm 2024, nhưng triển vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vẫn còn rất bấp bênh.

Tình hình ở Pháp tỏ ra khả quan hơn. Nhưng với mức thâm hụt tài khóa 5,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2023 và lãi suất thực tế đang tăng lên trên toàn cầu, Chính phủ Pháp vẫn đang chịu áp lực thắt chặt chính sách.

Trong khi đó, sau nhiều năm năng suất lao động sụt giảm và các vấn đề về nợ vẫn kéo dài dai dẳng, Italy đang tăng trưởng trở lại với một đà tăng tích cực. Còn Hy Lạp, nền kinh tế ngầm lớn nhất tại Liên minh châu Âu (EU), vẫn đang gặp khó khăn, chủ yếu do nạn trốn thuế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do để kỳ vọng.

Đầu tiên, các nền kinh tế Trung và Đông Âu đang có phần lấn lướt so với khu vực Tây Âu. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Ba Lan đã vượt cả Hy Lạp và Bồ Đào Nha về GDP thực tế bình quân đầu người. Bên cạnh đó, những nước như Romania đang trên đà đạt được những cột mốc tương tự trong 5 năm tới.

Trong khi Hungary đang vật lộn với những biến động về tỷ giá và mức tăng trưởng âm 0,8% trong năm 2023, nước này vẫn được dự đoán sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 và 2025.

Ngoài ra, các nước Trung và Đông Âu cũng đang già hóa nhanh, giống với các nước Tây Âu. Mặc dù vậy, ở thời điểm này, khu vực Tây Âu phát triển nhanh chóng sẽ tiếp tục nâng đỡ đà tăng trưởng chung của châu Âu. Dù với nhiều người, tiến bộ của những nước này là không đáng kể, nhưng khả năng của EU trong việc giúp các nước thành viên mới vượt qua nạn tham nhũng và những vấn đề muôn thuở về mặt thể chế và là điều cần được ghi nhận.

Thứ hai, khu vực Nam Âu cũng đang phát triển nhanh hơn khu vực Bắc Âu, khi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và kể cả Hy Lạp đều tăng trưởng nhanh hơn Đức khá nhiều kể từ năm 2020. Với ngành du lịch phát triển mạnh mẽ và nền kinh tế ít phụ thuộc vào sản xuất hơn của những nước này, sự vượt trội nói trên có thể còn tiếp diễn.

Thứ ba, về dài hạn, nền kinh tế Đức có thể bừng tỉnh sau đợt "ngủ đông" và lấy lại đà tăng trưởng.

Thứ tư, có thể kỳ vọng vào lứa lãnh đạo mới hiệu quả hơn bước ra từ các cuộc bầu cử sắp tới trên khắp châu Âu, sau khi giới lãnh đạo hiện tại chưa gặt hái được nhiều thành công.

Tất cả những điều này cho thấy châu Âu vẫn có thể đảo ngược tình thế. Các thị trường chứng khoán châu Âu có thể lặp lại thành tựu rực rỡ của năm ngoái, khi mà các mức định giá, được đo bằng chỉ số P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu), vẫn còn thấp hơn nhiều so với ở Mỹ. Dù thị trường chứng khoán Mỹ đã vượt trội hơn châu Âu trong nhiều năm qua, nhưng tình hình có thể sẽ khác trong năm nay.

Dù các nền kinh tế châu Âu đã diễn biến kém khả quan suốt một thời gian dài, nhưng không một xu hướng nào sẽ kéo dài mãi. Nền kinh tế đang suy yếu của Đức cho thấy sự giảm tốc trong dài hạn của EU có thể sẽ không sớm dừng lại.

Nhưng khi những nước từng được xem là tụt hậu trong khu vực như Italy và Pháp lại đang có dấu hiệu phục hồi, và các nước Trung và Đông Âu đang thể hiện tốt, thì nền kinh tế của EU vẫn có khả năng “lội ngược dòng”.

Khánh Ly (Theo Project Syndicate)

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.