Kinh tế 2016 qua những con số kỷ lục
1. Kỷ lục giải ngân FDI 15,8 tỷ USD
|
Năm 2016, Tổng cục Thống kê ước tính, con số giải ngân vốn FDI đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 26/12/2016 thu hút 2.556 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,18 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24,37 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút đầu tư FDI lớn nhất, tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản...
Trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu, tiếp theo là Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông. Nhật Bản, Đài Loan. Bên cạnh đó, Hải Phòng là tỉnh thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhất cả nước, cùng với Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nam, Bắc Giang...
2. Kỷ lục dự trữ ngoại hối 41 tỷ USD
Theo thông báo tại cuộc họp Chính phủ và các địa phương ngày 28/12, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức 41 tỷ USD. Đây là con số dự trữ cao nhất trừ trước tới nay.
|
3. Kỉ lục 110.000 doanh nghiệp đăng kí mới
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016 đã đạt kỷ lục cao chưa từng có.
|
Tính đến ngày 20/12, đã có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%.
4. Xuất siêu 2,68 tỷ USD
Tính chung cả năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 349,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015.
|
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm trước (năm 2015 chỉ tăng tăng 7,9%). Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 173,3 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước.
Tính chung cả năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 23,70 tỷ USD. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất với 28 tỷ USD trong năm 2016. Hai thị trường nhập siêu tiếp theo là Hàn Quốc và ASEAN. Hai thị trường vẫn giữ được mức xuất siêu là Hoa Kỳ với 29,4 tỷ USD, tiếp theo là EU với 22,9 tỷ USD.
5. Lần đầu tiên đón 10 triệu lượt khách du lịch
|
Tính chung cả năm 2016, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 10 triệu lượt người, tăng 26% so với năm trước (tăng hơn 2 triệu lượt khách). Đây là kỉ lục của ngành du lịch Việt Nam cả về lượng khách và mức tăng tuyệt đối trong một năm.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cho biết phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa. Đạt tổng doanh thu toàn ngành là 400.000 tỷ đồng.
6. Đã và đang tham gia 16 FTA
Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký gửi Thường vụ Quốc hội ngày 21/12, Việt Nam đã ký kết và thực thi 10 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA, và đang đang đàm phán 4 FTA khác.
Tuy nhiên, năm 2016 cũng là năm "lao đao" của các FTA. TPP đã đàm phán xong chỉ chờ phê chuẩn tại các quốc gia nhưng lại gặp phải trở ngại từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi chính sách của ông Donald Trump không mấy thân thiện với tự do thương mại. EVFTA cũng đã kết thúc đàm phàn nhưng gặp khó khăn hơn với Brexit từ Anh và "đòi ly khai" tại Italia.