|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh doanh ngoại hối giúp ngân hàng kiếm bộn tiền trong năm 2019

08:31 | 28/02/2020
Chia sẻ
Trong năm 2019, Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank, ACB... đều ghi nhận những khoản lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối. Sự khởi sắc của mảng kinh doanh này quan hệ chặt chẽ với chính điều hành thị trường ngoại hối của NHNN.
Kinh doanh ngoại hối giúp ngân hàng kiếm bộn tiền trong năm 2019 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Dân trí).

Loạt ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối 

Kết thúc năm 2019, một loạt ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 24 ngân hàng trong nước, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối năm 2019 của các ngân hàng này đạt 9.281 tỉ đồng, tăng 47% so với năm trước. Trong đó, cả ba "ông lớn" gốc quốc doanh đều thu về những khoản lãi hàng nghìn tỉ đồng từ mảng kinh doanh này.

Vượt trội so với các nhà băng khác, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng lãi nhiều nhất từ kinh doanh ngoại hối với 3.378 tỉ đồng, tăng trưởng 49% so với năm 2018. Đồng thời, kinh doanh ngoại hối cũng là mảng có mức lãi thuần tăng mạnh nhất của Vietcombank trong năm vừa qua.

Đứng sau Vietcombank, lãi thuần từ hoạt động này của VietinBank cũng đạt kỉ gần 1.565 tỉ đồng, gấp 2,2 lần năm 2018 và bỏ xa mức tăng trưởng chung 41% của tổng thu nhập hoạt động (TOI).

Tương tự, năm 2019, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng mang về cho BIDV gần 1.500 tỉ đồng, tăng 44% so với năm trước.

Như vậy, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của riêng nhóm ba ngân hàng TMCP Nhà nước đã đạt gần 6.438 tỉ đồng, chiếm 70% tổng lãi thuần của 24 ngân hàng được thống kê. Điều này cho thấy vị thế vượt trội của các ngân hàng gốc quốc doanh trong mảng kinh doanh này.

Trong nhóm ngân hàng tư nhân, MBBank, Sacombank và ACB cũng đều ghi nhận những khoản lãi kỉ lục từ kinh doanh ngoại hối. 

Cụ thể, lãi thuần từ kinh doanh ngoại tệ của MBBank trong năm 2019 đạt 648 tỉ đồng, tăng 46%. Sacombank và ACB cũng thu về 609 tỉ đồng và 430 tỉ đồng từ mảng kinh doanh này, tăng trưởng lần lượt 46% và 52%.

Thậm chí, năm vừa qua một số ngân hàng còn chứng kiến lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng tới cả chục lần như SCB (lãi thuần đạt 69 tỉ đồng, gấp 98 lần năm 2018); LienVietPostBank (lãi thuần đạt 64 tỉ đồng, gấp hơn 9 lần năm 2018); VietBank (lãi thuần đạt 7,5 tỉ đồng, gấp 5,3 lần năm 2018).

Nhiều ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối trong năm 2019, nguyên nhân là gì? - Ảnh 2.

Nhiều ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối trong năm 2019 (Nguồn: QT tổng hợp)

Đâu là nguyên nhân?

Đối với mảng kinh doanh ngoại hối ngân hàng, phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra ngoại tệ. Đơn cử như tại Vietcombank, tỉ lệ đóng góp của kinh doanh ngoại tệ giao ngay chiếm trên 80% tổng lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối hay BIDV là khoảng 60%...

Trong khi đó, năm 2019, một lượng lớn giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng được thực hiện với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi nhà điều hành đẩy mạnh mua vào USD để gia tăng dự trữ ngoại hối.

Thực tế ngay ngày giao dịch đầu tiên của năm 2019, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng giá mua vào USD 500 đồng so với mức niêm yết trước đó trong năm 2018, lên 23.200 VND/USD và duy trì mức giá này đến hết tháng 11/2019.

Nếu so với mức giá mua vào USD tại các NHTM dao động từ 23.100 – 23.150 VND/USD trong phần lớn thời gian của năm 2019 thì mức chênh lệch giữa giá mua USD tại các ngân hàng và Sở giao dịch NHNN rơi vào khoảng 50 – 100 đồng/USD. Điều này có nghĩa, các NHTM chỉ cần mua USD từ khách hàng và bán lại cho NHNN thì mức lãi thuần cũng lên đến 50 – 100 đồng/USD.

Mặt khác, năm 2019, NHNN đã mua vào khoảng 20 tỉ USD ngoại tệ, phần lớn là mua từ các NHTM trong những tháng cuối năm. Như vậy, nếu chỉ tính riêng hoạt động mua bán ngoại tệ với NHNN thì các ngân hàng đã thu về khoản lãi thuần lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Nhiều ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối trong năm 2019, nguyên nhân là gì? - Ảnh 3.

Tỷ giá mua USD của NHNN cao hơn tỷ giá mua ngân hàng trong phần lớn thời gian của năm 2019 (Nguồn: SSI Research).

Ngoài nguồn thu lớn từ các giao dịch với NHNN, hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay giữa ngân hàng với các cá nhân, tổ chức cũng được hỗ trợ mạnh trong năm 2019 khi NHNN đẩy mạnh lộ trình chấm dứt cho vay ngoại tệ chuyển qua quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Theo đó, từ ngày 1/4/2019, các ngân hàng đã dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước.

Từ ngày 1/10/2019, các NHTM tiếp tục chấm dứt việc cho vay ngoại đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Quốc Thụy