|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc 500 tỉ USD năm 2019, liên tục nằm top 30 thế giới

14:14 | 31/12/2019
Chia sẻ
Với giá trị xuất nhập khẩu năm 2019 hơn 500 tỉ USD, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam lên mốc gần 4.000 tỉ USD.

Theo báo Chính phủ, số liệu của Tổng cục Hải quan công bố tại Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của  Việt Nam vượt mốc 500 tỉ USD, do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/12 cho biết tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỉ USD. 

Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2015 đến năm 2019, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 2.106 tỉ USD, cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014).

Năm 2001 tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỉ USD. Đến năm 2007, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỉ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỉ USD. Trong thời gian 4 năm tiếp theo, xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỉ USD.

Với thời gian rất ngắn, chỉ hai năm sau đó vào giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỉ USD. Tiếp nối 2 năm sau đó, trong nửa cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỉ USD.

Theo đó, nếu năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu thì đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. 

Đặc biệt với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Ngoài ra, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt.

Cụ thể, từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỉ USD, đỉnh điểm lên tới 18,02 tỉ USD trong năm 2008. 

Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỉ USD). Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của nước ta đã đạt 6,83 tỉ USD. Trong 11 tháng từ đầu năm 2019, với sự gia tăng qui mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỉ USD.

Trước đây, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 với tốc độ tăng vượt trội, Hàn Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng đặt mục tiêu năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỉ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI. Tiếp tục công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng Việt Nam, tránh kiện tụng về hợp đồng xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống giả mạo xuất xứ, nguồn gốc để bảo vệ những nhà xuất khẩu chân chính...

Như Huỳnh