|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu Việt Nam thực sự hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung?

14:07 | 29/12/2019
Chia sẻ
Dệt may, thủy sản là một trong những ngành hàng được cho là có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ khi chiến tranh thương mại nổ ra. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản, xuất phát từ năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt cũng như nhu cầu tiêu thụ...

Đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã kéo dài được 18 tháng, tác động của nó lên kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã hiển hiện rõ. 

Theo nhiều chuyên gia dự báo, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội tại thị trường Mỹ, khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao, hàng hóa Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì đã tăng xuất khẩu sang Mỹ, thay thế cho một số mặt hàng của quốc gia châu Á bị áp thuế cao như hàng điện tử, máy móc, đồ gỗ, giày da và dệt may,...

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam thực tế không được hưởng lợi từ cuộc chiến này.

Dệt may gặp nhiều bất lợi

Trái ngược với dự báo ngành dệt may Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tại thị trường Mỹ khi quốc gia này tăng thuế nhập khẩu đối với dệt may Trung Quốc, năm 2019 được đánh giá là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, với nhiều biến động trên thị trường.

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 39 tỉ USD, giảm 1 tỉ USD so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm.

Nguyên nhân là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái, khiến giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc và theo đó tác động đến các đơn hàng xuất khẩu. 

Cùng với tâm lí chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị “chia nhỏ” thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.

Đặc biệt, Trung Quốc chiếm 70% cơ cấu tiêu thụ sợi tự nhiên xuất khẩu của Việt Nam nhưng nhu cầu từ Trung Quốc đi xuống đồng nghĩa với giá sợi xuất khẩu từ Việt Nam đối mặt với áp lực giảm giá.

Xuất khẩu Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2019 ước đạt 39 tỉ USD. Nguồn: TTXVN.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thừa nhận từ cuối năm 2018 đến nay, ngành dệt may chịu nhiều tổn thất do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. 

Trong đó, xuất khẩu sợi vào Trung Quốc giảm mạnh do sức mua của các nhà sản xuất ở đây giảm. 

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại cũng đang tạo sức ép cho nguồn cung của ngành dệt may Việt Nam với việc các doanh nghiệp dệt may đang phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc, trong khi vẫn phải chịu áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu.

Theo nghiên cứu từ Vinatex, để một nhà sản xuất sợi tự nhiên hoạt động bình thường thì chênh lệch giá đầu ra - giá đầu vào phải từ 1 USD/kg trở lên, tuy nhiên đến tháng 8, mức chênh lệch bình quân chỉ đạt 0,64 USD/kg. 

Đồng quan điểm, báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng thông thường quí IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó nhưng năm nay, đơn hàng dè dặt hơn, giảm so với năm 2018. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kì.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quí.

"Thương chiến Mỹ - Trung khiến ngành hàng may mặc có nhiều cơ hội để cải thiện đơn hàng. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi đối với các doanh nghiệp sẽ khác nhau, dựa trên tình hình hoạt động của mỗi vị, bao gồm thị trường xuất khẩu mục tiêu, năng lực sản xuất và trình độ tay nghề...", ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP HCM, chia sẻ.

Ngoài yêu cầu về giá, chất lượng, tiến độ như thông thường, nhiều yêu cầu mới được các nhà mua hàng lớn đặt ra như là rào cản để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu. Cụ thể là các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được như nước, điện, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế.

"Cùng với đó là các yêu cầu về qui tắc xuất xứ từ sợi và vải để có thể có được lợi ích thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, áp lực về lao động và tiền lương do Việt Nam là nước có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, tỉ giá ổn định đã không còn lợi thế là nước có nhân công rẻ so với các nước cạnh tranh", ông Hồng dẫn chứng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... Nhiều nước đang tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ.

Những điều này cho thấy, ngành dệt may vốn từng được kì vọng là ngành sẽ được hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do cho đến việc Mỹ áp thuế lên các sản phẩm của Trung Quốc hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thủy sản trái ngược với dự đoán

Trong khi nhu cầu đối với các mặt hàng dệt may phụ thuộc vào giá, nguồn nguyên liệu thì câu chuyện đối với các sản phẩm thủy sản lại theo một diễn biến khác.

Với thị trường Mỹ, nơi được xem là thị trường tiềm năng của mặt hàng cá tra, đặc biệt khi cá rô phi, sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc tại Mỹ đang chịu thuế suất thuế tự vệ 25%, đồng thời sản lượng xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ giảm trên 30% trong giai đoạn 2014 - 2018 thi cơ hội cho cá tra Việt Nam càng rộng cửa.

"Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ và nhiều nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam hi vọng sẽ gia tăng cơ hội tại thị trường này.

Tuy nhiên, trái với dự đoán, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn giảm do rào cản thương mại và kĩ thuật vẫn ngăn cản tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này", Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay.

Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,81 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kì năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 258,5 triệu USD, giảm đến 47,7% so với 11 tháng của năm 2018. 

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng dương trong 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 8, giảm trong tháng 9/2019 và tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10 với kim ngạch đạt 548,2 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kì năm ngoái.

Xuất khẩu Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung? - Ảnh 2.

Tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,81 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kì năm trước. Nguồn: NCĐT.

Nguyên nhân theo VASEP là giá xuất khẩu giảm từ 20 - 25%, như cá tra ở thị trường Mỹ giảm hơn 2 USD/kg, tôm giảm từ 1 USD/kg trở lên. Sản lượng năm nay tăng nhưng doanh số giảm mạnh.

Dù doanh nghiệp có nỗ lực khai thác nhiều thị trường khác nhưng vẫn không bù đắp việc giảm mạnh ở thị trường Mỹ và EU. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 dự báo trên 8,9 tỉ USD, chỉ tăng 1,4% so với năm ngoái.

Việc sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp còn đến từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, yếu tố cạnh tranh gay gắt về giá và tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các thị trường khó tính.

Ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nhìn nhận, dù có thể tranh thủ được “khe hở thị trường” từ thương chiến Mỹ - Trung, song với thị trường Mỹ, sự siết chặt từ chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản cũng như việc áp đặt mức thuế chống bán phá giá khá cao đã giảm rất nhiều cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, kể cả đối với những doanh nghiệp lớn.

Khó lạc quan về khả năng hưởng lợi

Nhiều ngành kinh tế của Việt Nam đang được cho là sẽ hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. 

Tuy vậy, khi đi vào chi tiết thì có thể thấy vẫn còn nhiều rào cản, xuất phát từ năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt, nhu cầu tiêu thụ và chính sách bảo hộ của thị trường Mỹ, chưa kể một số ngành có thị trường tiêu thụ là Trung Quốc sẽ gặp thêm khó khăn.

Do đó, theo các chuyên gia dù có hy vọng, nhưng doanh nghiệp cũng không thể quá lạc quan về khả năng hưởng lợi từ thương chiến. 

Về dài hạn, cần phải cải thiện chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị xuất khẩu, tận dụng được các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do cũng như mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho doanh nghiệp trong nước. 

Xuất khẩu Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung? - Ảnh 3.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhịn định hàng loạt hiệp định thương mại mà Việt Nam đã kí kết tham gia, trong đó có Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA tạo ra sân chơi có tính toàn diện cho ngành dệt may.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vải, sợi đang chờ đợi hiệp định này có hiệu lực, tạo đột phá trong phát triển dệt may vào thị trường châu Âu, bởi đây là thị trường truyền thống, giá trị gia tăng cao, mẫu mã, chủng loại sản phẩm đa dạng, quan trọng hơn cả là mức tăng trưởng được duy trì đều đặn.

Theo ông Giang, để có thể hưởng ưu đãi từ các hiệp định, doanh nghiệp dệt may cần thực hiện một cách nghiêm ngặt những yêu cầu về qui tắc xuất xứ sản phẩm. Trong đó, hàng dệt may khi xuất khẩu vào EU phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam, cắt may doanh nghiệp Việt hoặc các nước khu vực châu Âu.

Đồng thời để khắc phục tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp dệt may cần chuẩn hoá qui trình sản xuất, cắt giảm chi phí, tích cực tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới.

Doanh nghiệp cần chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng qui tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA cũng như tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững, thu hút nhiều đơn hàng trong năm mới.

Còn đối với ngành thủy sản, hiện chưa ghi nhận được khả năng hưởng lợi từ thương chiến nhưng cơ hội của các mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra được dự báo sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn tới.

Cụ thể, thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam theo POR13 đã giảm về 0%, so với mức 4,58% mà nhiều doanh nghiệp đang phải áp dụng theo POR12; cùng với đó thuế chống bán phá giá sơ bộ theo POR15 đối với cá tra Việt Nam cũng giảm về 0 USD/kg.

Ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho rằng nhìn từ góc độ cạnh tranh, sản phẩm cá tra có những lợi thế nhất định về tính độc nhất của cá tra thịt trắng của đồng bằng sông Cửu Long, khác biệt so với cá tra của nhiều quốc gia đối thủ.

Trong khi đó, các sản phẩm tôm luôn ở trong trạng thái cạnh tranh cao với các đối thủ truyền thống như Ấn Độ với chi phí thấp, Ecuador và Indonesia với thuế chống bán phá giá 0% tại thị trường Mỹ.

Ngoài ra, với việc Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của ba nướ là: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương với Mỹ.

Việc Mỹ chính thức công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Mỹ được cho là tin vui đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.

Xuất khẩu Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung? - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO. Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên, việc Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gia tăng. 

Năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 39,5 tỉ USD và có thể tăng mạnh hơn trong năm 2019 với  ước tính lên tới 52 tỉ USD.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO lẽ thường khi xuất khẩu tăng sẽ là tin mừng, nhưng điều không vui là Việt Nam nằm trong nhóm 10 đối tác có thâm hụt thương mại với Mỹ.

"Đây không phải tin mới vì nhiều năm nay hiện tượng này đã xảy ra. Tuy nhiên, tăng trưởng nhập khẩu vào Mỹ của 9 nước còn lại đều giảm so với năm 2018, duy nhất Việt Nam tăng", bà Trang nói.

Bên cạnh đó, gần đây, một số công ty nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam đã vi phạm về xuất xứ hàng hóa và ghi nhãn mác bao bì là "made in Vietnam" nhằm trốn thuế. 

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lí Fulbright, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, cho rằng nhiều mặt hàng Trung Quốc trước đây có thể xuất sang Mỹ với thuế suất thấp, giờ chịu thuế suất trừng phạt nên tìm đường sang Mỹ theo cách khác. 

Đó là lí do cho những “nghi vấn” một số mặt hàng có sự tăng trưởng đột biến về xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam sang Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ đang rất chú ý đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, Việt Nam cần phải có chính sách và luật pháp rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ để tránh biện pháp trả đũa của Mỹ.

Như Huỳnh