|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu ngành cao su chưa tính đủ

11:58 | 07/11/2018
Chia sẻ
Nếu nhìn vào con số kim ngạch xuất khẩu mủ cao su 10 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 1,66 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ dễ có cảm nhận ngành cao su ngày càng bết bát, kim ngạch thua gạo, rau quả. Nhưng, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), mủ cao su không phải là sản phẩm duy nhất, thực tế kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đến thời điểm này đạt 5,7 tỷ USD.
kim ngach xuat khau nganh cao su chua tinh du
Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cao su tháng 10/2018 đạt 184 nghìn tấn với giá trị đạt 238 triệu USD; lũy kế 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,21 triệu tấn và 1,66 tỷ USD, tăng 13,4% về lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu mủ cao su lao đao

Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 66%, 7% và 5% trong tổng giá trị xuất khẩu cao su. Kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường chủ chốt đều giảm so với cùng kỳ năm 2017, trừ Ấn Độ và Indonesia tăng lần lượt 53% và 5%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cao su 10 tháng đầu năm 2018 đạt 494,6 nghìn tấn với giá trị 905,7 triệu USD, tăng 11,4% về lượng và 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, riêng với sản phẩm mủ cao su và cao su sơ chế, thặng dư thương mại trong 10 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 700 triệu USD. Đây là sự suy giảm rất đáng lo ngại, bởi cách đây 7 năm, kim ngạch xuất khẩu cao su đạt tới 3,2 tỷ USD vào năm 2011 và xuất siêu tới 2,5 tỷ USD.

Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu cao su càng đáng nói hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng cao su trên thế giới vẫn tăng trưởng. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), tiêu thụ cao su thiên nhiên thế giới 10 tháng đầu năm 2018 tăng 6,6% so với cùng, đạt hơn 11 triệu tấn.

Trong khi đó, sản lượng cao su thế giới ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn ở mức 1,5%, lên 10,23 triệu tấn. Do đó, trong 10 tháng đầu năm 2018, thâm hụt nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu ở mức 874.000 tấn. Mặc dù thị trường có dấu hiệu thuận lợi nhờ tăng cầu, giá cao su vẫn duy trì ở mức thấp.

Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 10/2018 của Việt Nam ước đạt 1.293 USD/tấn, tăng nhẹ 0,66% so với tháng 9/2018 nhưng giảm 15,7% so với mức giá 1.535 USD/tấn của cùng kỳ năm 2017.

Theo phân tích của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, mặc dù thị trường cao su thế giới có những tín hiệu tốt trở lại, nhưng giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam thấp, là bởi tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trung Quốc vốn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu xăm lốp ô tô rất mạnh sang Mỹ. Khi bị Mỹ áp thuế cao, ngành chế biến cao su của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng và giảm nhập khẩu cao su nguyên liệu, trong khi Trung Quốc hiện chiếm tới 66% kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Hiện thị trường cao su gặp nhiều khó khăn, để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà sản xuất, xuất khẩu cao su cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là một số thị trường có tăng trưởng tốt như Ấn Độ.

Xuất khẩu cao su chế biến tăng trưởng mạnh

Theo VRA, con số kim ngạch xuất khẩu cao su mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố hàng tháng, hàng năm mới chỉ là giá trị xuất khẩu mủ cao su và mủ cao su sơ chế. Xuất khẩu của ngành cao su, nếu tính đúng, tính đủ phải gồm cả 3 nhóm mặt hàng chủ yếu, gồm: cao su thiên nhiên; sản phẩm cao su; gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su.

Các chuyên gia ngành hàng cao su cho rằng, việc ngành lâm nghiệp tự hào với kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD, nhưng tính luôn cả xuất khẩu gỗ và đồ gỗ (sản phẩm gỗ cao su chế biến); trong khi báo cáo xuất khẩu cao su chỉ tính mủ cao su là bất hợp lý. Cách thống kê này cũng khiến thành tích của ngành cao su bị đẩy xuống thua cả xuất khẩu rau, xuất khẩu gạo.

Năm 2017, gỗ cao su và đồ gỗ cao su xuất khẩu đem lại kim ngạch 1,7-1,8 tỷ USD; và xuất khẩu trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguồn cung này có nguồn gốc từ các vườn cao su thanh lý trong nước, thường từ 25-27 năm sau khi năng suất mủ của cây không còn hiệu quả kinh tế. Năm nay, ước tính gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su xuất khẩu đem về khoảng 1,5 tỷ USD.

Những năm qua, tiêu thụ mủ cao su, cao su thiên nhiên gặp nhiều khó khăn, nhưng thực tế, ngành cao su Việt Nam vẫn đạt những thành tựu vượt bậc, đó là giảm tỷ trọng xuất khẩu mủ sơ chế, sản phẩm thô, tăng chế biến và xuất khẩu cao su chế biến sâu.

Các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề chế biến sản phẩm cao su đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu về sản phẩm cao su chế biến sâu trên 16,5% mỗi năm và đạt 2,176 tỷ USD năm 2017. Trong đó, lốp xe có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 920 triệu USD năm 2017, tăng 44,2% so với năm 2016 và tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm gần đây (2012-2017) đạt khoảng 22,3% mỗi năm.

Hiện nước ta có khoảng 211 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lốp xe. Trong nhóm 10 doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe dẫn đầu có hai doanh nghiệp Việt Nam là Công ty cổ phần cao su miền Nam (Casumina) và Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC), còn lại là các doanh nghiệp FDI.

Nếu tính đúng, tính đủ, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su Việt Nam đạt 6,402 tỷ USD trong năm 2017. Các chuyên gia dự báo, năm 2018, xuất khẩu toàn ngành cao su sẽ chạm ngưỡng 7 tỷ USD, tức là không kém cạnh các ngành lâm nghiệp, thủy sản.

Chu Khôi