|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu cà phê tiếp tục đà tăng nhờ nhu cầu phục hồi

22:45 | 14/04/2021
Chia sẻ
Trong quý I/2021, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm 12,2% nhưng giá xuất khẩu lại tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2021 đạt 453 nghìn tấn, trị giá 808,7 triệu USD, giảm 12,2% về lượng và giảm 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng trong tháng 3/2021, xuất khẩu cà phê đạt 169,6 nghìn tấn, trị giá 312,06 triệu USD, giảm 7,7% về lượng nhưng tăng 1% về trị giá so với tháng 3/2020.

Khối lượng xuất khẩu cà phê giảm nhưng giá cà phê xuất khẩu lại tăng đáng kể.

Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 3/2021 tăng 4,6% so với tháng 2/2021 và tăng 9,4% so với tháng 3/2020, đạt 1.840 USD/tấn. Tính chung quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.785 USD/tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý I/2021, Đức vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta, nhưng xuất khẩu cà phê sang thị trường này đã giảm 26,6% về lượng và giảm 14,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 64,6 nghìn tấn, trị giá 113,7 triệu USD.

Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường chính khác cũng giảm khá mạnh so với quý I/2020 như: Italy giảm 18,3% (đạt 37,1 nghìn tấn), Mỹ giảm 22% (đạt 30,1 nghìn tấn), Nga giảm 12,7% (đạt 18,5 nghìn tấn)…

Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 53,3% so với cùng kỳ năm 2020, Malaysia tăng 8,3%, Hàn Quốc tăng 25,7%...

Xuất khẩu cà phê giảm về lượng nhưng tăng về giá - Ảnh 1.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan. Biểu đồ: Ngọc Bảo

Mặc dù nhu cầu cà phê thế giới tương đối khả quan, nhưng tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển tăng cao đã ảnh hưởng khá nhiều đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 5 tháng đầu niên vụ 2020-2021 (tháng 10/2020 đến tháng 2/2021) đạt 52,8 triệu bao, tăng 2,5% so với cùng kỳ niên vụ 2019-2020.

Theo hãng tin Bloomberg, Brazil đã hưởng lợi từ sự chênh giá gây ra bởi thiếu container gây khó cho nguồn cung cà phê Việt Nam trong thời gian qua.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), trong quý I năm 2021, xuất khẩu cà phê của Brazil đạt hơn 11 triệu bao (1bao = 60kg), tăng 10,4% so với năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica đạt 10 triệu bao, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; cà phê robusta tăng 30,4%, đạt 907,6 nghìn bao.

Không giống như các nhà rang xay ở Mỹ, các nhà sản xuất cà phê ở châu Âu không thể dễ dàng sử dụng cà phê Brazil cho các sản phẩm của họ bởi việc thay thế cà phê Việt Nam bằng cà phê Brazil sẽ làm thay đổi hương vị của sản phẩm cuối cùng.

Do đó, hầu hết những hạt cà phê robusta của Brazil được đưa vào kho dự trữ được trao đổi chứng nhận thay vì đến tay các nhà rang xay. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt cà phê robusta từ Việt Nam, một số nhà rang xay cà phê của châu Âu Mỹ đã chuyển sang nguồn cung cấp từ Đông Phi.

Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan bởi ở đỉnh điểm của tình trạng thiếu container, các nhà giao dịch yêu cầu mức mức chênh 450 USD/tấn so với giá cà phê Việt Nam có sẵn tại châu Âu, cao gấp 3 lần so với bình thường.

Hiện tại, thị trường cà phê thế giới đang ở trong trạng thái dư thừa cà phê arabica và thiếu hụt cà phê robusta. Brazil – nước xuất khẩu cà phê arabica liên tục đẩy mạnh bán ra, trong khi Việt Nam – nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới gặp khó do tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển cao.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê có xu hướng tăng trong 2 tháng đầu năm 2021 và biến động tăng giảm trái chiều từ tháng 3/2021 đến nay. Các hợp đồng tương lai bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng ở châu Âu.

Tính đến phiên giao dịch ngày 14/4, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 5/2021 trên sàn giao dịch London đạt 1.344 USD/tấn, không đổi so với cuối tháng 3/2021 nhưng giảm 3,7% (giảm 51 USD/tấn) so với đầu tháng 1/2021.

Trong khi đó, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 5,3% so với cuối tháng 3/2021 nhưng giảm 1,4% so với đầu năm nay, đạt 130,05 US cent/pound.

Giá cà phê arabica tăng trong bối cảnh Brazil đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 3 của đại dịch COVID-19 và điều này có thể ảnh hưởng tới các hoạt động giao dịch cà phê.

Đối với cây trồng, lượng mưa thấp hơn ở hầu hết các vùng sản xuất cà phê Brazil vào cuối tháng 3, nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục trong điều kiện tốt.

Sản lượng cà phê ở Rondônia – Brazil được dự báo giảm, nhưng bù lại lượng cà phê thu hoạch ở Espírito Santo trong mùa tới sẽ cao hơn so với mùa vụ 2020-2021.

Đến cuối tháng 3/2021, ở cả hai bang, thời tiết đang thuận lợi cho sản xuất. Tại Rondônia, mặc dù một lượng cà phê đã được thu hái vào cuối tháng 3/2021, nhưng việc thu hoạch vụ mùa 2021-2022 sẽ chính thức bắt đầu trong tháng 4/2021. 

Ở Espírito Santo, các hoạt động dự kiến sẽ bắt đầu vào hai tuần đầu tiên của tháng 4/2021, sẽ tăng lên vào cuối tháng.

Tại trong nước, giá cà phê tại một số tỉnh trồng cà phê trọng điểm của khu vực Tây Nguyên trong nửa đầu tháng 4/2021 tăng nhẹ 300 đồng/kg so với cuối tháng 3/2021, nhưng vẫn thấp hơn 500 – 1.000 đồng/kg so với đầu năm nay. 

Cụ thể, giá cà phê hiện cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk với 32.700 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 31.600 đồng/kg.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo, phân khúc cà phê hòa tan chất lượng cao toàn cầu có xu hướng tăng lên do nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng đáng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. 

Cơ quan Thống kê Quốc gia Brazil (IBGE) đã đưa ra dự báo vụ cà phê 2021-2022 của nước này sẽ thấp hơn 27,3% so với năm trước, nguồn cung ít sẽ hỗ trợ giá cà phê.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu cà phê trước mắt sang thị trường EU và Mỹ vẫn gặp khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển tuy đã đỡ căng thẳng hơn trước nhưng giá cước vẫn cao.

Xuất khẩu cà phê giảm về lượng nhưng tăng về giá - Ảnh 2.

Nguồn: tintaynguyen. Biểu đồ: Ngọc Bảo

Ngọc Bảo