Kiểu sản xuất thời 4.0 của hãng xe hơi đình đám ở Đức
Nằm tại vùng ngoại ô của một trong những thành phố lâu đời nhất nước Đức – Regensburg là nhà máy của tập đoàn xe hơi BWM. Đây là một trong những nhà máy hiện đại bậc nhất trên thế giới. Vào năm 2018, nhà máy này đã sản xuất khoảng 320.000 xe hơi.
Tập đoàn BMW đã ứng dụng các công nghệ - từ robot, in 3D cho đến phân tích dữ liệu thông minh. Chiến lược ấy giúp hãng giảm lượng thời gian cần để triển khai 80% ứng dụng mới cũng như giảm thiểu 5% các vấn đề liên quan đến chất lượng.
Được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mô tả là "nhà máy của tương lai", nhà máy BMW luôn đi đầu trong nền công nghiệp 4.0 – một giai đoạn mới trong cuộc cách mạng công nghiệp tập trung nhiều vào sự kết nối, tự động hóa, học máy và dữ liệu thời gian thực.
Hãng tư vấn Capgemini dự đoán trong vòng 3 năm tới, các nhà máy thông minh như vậy có thể tăng thêm ít nhất 1,5 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu và thậm chí còn nhiều hơn thế.
Capgemini còn phát hiện ra rằng các nhà sản xuất mà họ thực hiện khảo sát trong năm 2019 đã lên kế hoạch để xây dựng khoảng 40% các nhà máy thông minh trong 5 năm tới.
Sản xuất xe ô tô công nghệ cao
"Đặc trưng của một nhà máy thông minh nằm ở việc sử dụng các công nghệ mới, kèm theo những ý tưởng mới để nâng nó lên một tầm cao mới", ông Frank Bachmann - giám đốc nhà máy tại Regensburg của BMW, bình luận.
Tại nhà máy, có hơn 3.000 máy móc, robot và hệ thống giao thông tự trị được kết nối với nhau. Nền tảng Internet vạn vật có thể kết nối các công cụ này với các vật liệu và bộ phận, được gắn nhãn in laser ngay từ đầu, cho phép thông tin được phân tích và theo dõi từng bước.
Điều đó có nghĩa là mọi vấn đề trong dây chuyền cung cấp đều có thể được cảnh báo. Chẳng hạn, nếu hệ thống phát hiện tiếng động lạ, cơ học sẽ được thông báo để khắc phục ngay lập tức.
Ông Bachmann nói: "Chúng tôi cố gắng dự đoán tất cả mọi thứ và cố gắng hiểu chúng từ góc độ phản ứng để có thể khiến tương lai an toàn hơn, dễ dàng hơn, thậm chí tạo ra những xe hơi tốt hơn".
"Một nhà máy thông minh được điều khiển bởi những con người thông minh," ông nói. Giám đốc nhà máy Regensburg của BMW tin rằng thành công của nhà máy thông minh không chỉ nằm ở duy nhất công nghệ mà còn là cách nó tích hợp các công nghệ với con người.
Thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp
Đây không phải là lần đầu tiên xe hơi trở thành động lực trong việc hiện đại hóa sản xuất. Vào năm 1913, lần đầu tiên hãng Henry Ford đã tạo ra một dây chuyền lắp ráp chuyển động, giúp cắt giảm đáng kể số giờ cần thiết để lắp ráp một chiếc xe Model T - từ 12,5 giờ xuống còn 6 giờ.
Tuy nhiên, thế hệ dây chuyền sản xuất tiếp theo sẽ không được thực hiện ngay tại nhà máy mà xảy ra ở trên máy tính và đám mây. Xu hướng ấy cũng mang lại một số thách thức mới. Báo cáo của Capgemini cho thấy ngay cả có những triển vọng tích cực vượt trội thì các nhà sản xuất vẫn đang vật lộn để mở rộng các sáng kiến thông minh của họ, trong đó chỉ có 14% các sáng kiến hiện có của họ là "thành công".
Ông Enno de Boer, thuộc nhóm chuyên gia tư vấn của McKinsey & Company, cũng thấy một số trở ngại mà các nhà sản xuất sẽ phải vượt qua. Ông cho rằng hai trong số những thách thức lớn nhất đối với họ đều xoay quanh qui mô và năng lực của nhân viên.
"Có một khoảng cách kĩ năng lớn cần được giải quyết. Tới 42% các công ty công nghiệp báo cáo rằng họ đang gặp phải tình trạng thiếu lao động với các kĩ năng của nền công nghiệp 4.0", ông nói thêm.
Để đào tạo và nâng cao lực lượng lao động có qui mô, ông de Boer còn đề nghị các nhà sản xuất nên phát triển các phương pháp học tập công nghệ hiệu quả, chẳng hạn như phát triển game và học thêm về thực tế ảo cũng như tương tác thực tế ảo.