|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kiều hối chiếm 7% GDP tại Việt Nam

13:10 | 10/10/2017
Chia sẻ
Theo báo cáo của WB, năm 2015, kiều hối chiếm 7% GDP tại Việt Nam, tương đương khoảng 14 tỷ USD được chuyển về nước.

Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo "Giảm hạn chế di cư lao động trong khối ASEAN sẽ tăng phúc lợi và tốc độ tăng trưởng".

Tăng lao động nhập cư 10% sẽ kéo theo GDP tăng 1,1%

Theo WB, hiện tượng di cư nội khối ASEAN đã tăng đáng kể trong giai đoạn 1995-2015 và đã biến Malaysia, Singapore, và Thái Lan trở thành trung tâm di cư trong khu vực với 6,5 triệu dân di cư, chiếm 96% tổng số lao động di cư trong khối.

kieu hoi chiem 7 gdp tai viet nam

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết tính đến hết tháng 9 vừa qua, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 3,375 tỉ USD, tăng 12,5% so với cuối tháng 8 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.(Ảnh minh họa: KT)

Đáng chú ý là, trong năm 2015 các nước trong khối đã nhận được tổng cộng 62 tỉ USD kiều hối. Kiều hối chiếm 10% GDP tại Philippines, 7% tại Việt Nam, 5% tại Myanmar, và 3% tại Campuchia.

Đối tượng lao động tay nghề thấp và ít được thống kê trong khu vực sang các nước khác tìm kiếm cơ hội việc làm trong các ngành xây dựng, trồng trọt, làm việc tại gia. Các công việc được trả lương cao hơn cũng có nhưng người lao động thường không nắm bắt được các cơ hội này.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã thực hiện một số bước nhằm tạo điều kiện cho lao động di chuyển trong khu vực, nhưng các quy định thường chỉ điều chỉnh một số việc ngành, nghề có kỹ năng như bác sĩ, nha sĩ, y tá, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, nhân viên du lịch—chỉ chiếm khoảng 5% số việc làm trong khu vực.

Theo ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng-Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á Thái Bình Dương, “nếu có chính sách đúng đắn, các nước có lao động xuất khẩu sẽ thu được lợi ích kinh tế và bảo vệ được lao động của mình. Và nếu phối hợp tốt chính sách nhập cư với chính sách kinh tế, các nước tiếp nhận có thể bù đắp được thiếu hụt nhân công và thúc đẩy phát triển kinh tế. Các nước trong khu vực có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội.”

WB cho rằng, quy định nhập cư trong khu vực ASEAN còn hạn chế. Các rào cản di cư như quy trình tuyển dụng mất thời gian và tốn kém, quy định hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài, chính sách việc làm ngặt nghèo,... đã và đang hạn chế cơ hội của người lao động và tác động lên phúc lợi của họ.

Những chính sách hạn chế này, theo WB, bắt nguồn từ suy nghĩ rằng lao động nhập cư có thể có ảnh hưởng tiêu cực lên các nước nhận lao động. Nhưng bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Kết quả tính toán cho thấy, nếu con số tăng thuần lao động nhập cư là 10% thì sẽ kéo theo GDP tăng 1,1%. Tại Thái Lan, nếu không có lao động nhập cư, GDP sẽ giảm 0,75%.

“Dù đến nước nào trong khối thì lao động cũng phải chi một khoản chi phí bằng vài lần lương trung bình cả năm. Nếu cải tiến thủ tục nhập cư thì sẽ giảm được các khoản chi phí đắt đỏ nà cho người lao động trong tương lai, và giúp các nước đáp ứng được đòi hỏi trên thị trường lao động của mình,” ông Mauro Testaverde, Chuyên gia kinh tế, trưởng ban an sinh xã hội và việc làm toàn cầu, Ngân hàng Thế giới và chủ biên báo cáo nói.

Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia xuất khẩu lao động

Theo phân tích của WB, nếu lao động được tự do di chuyển thì tác động của nó lên phát triển kinh tế khu vực sẽ rất lớn do người lao động từ các nước thu nhập thấp sẽ có thêm cơ hội tăng thu nhập của mình. Lượng kiều hối so với GDP cũng rất đáng kể. Nếu cắt giảm các rào cản này đối với lao động tay nghề cao thì phúc lợi người lao động sẽ tăng 14% và nếu áp dụng đối với toàn bộ lao động thì phúc lợi của họ sẽ tăng 29%.

Các nước có thể áp dụng nhiều chính sách khác để tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn cho người lao động. Các nước cần tăng cường giám sát các cơ quan tuyển dụng lao động. Philippines đã có một hệ thống hỗ trợ lao động rất phát triển và các nước khác có thể học tập mô hình này. Indonesia cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan và đơn giản hoá thủ tục.

Đối với Việt Nam, WB khuyến nghị, có thể cần phải xây dựng chiến lược quốc gia xuất khẩu lao động quốc gia trong quá trình cải cách. Lao động ra nước ngoài làm việc có thể phải chịu chi phí rất cao tại các nước thu nhập thấp như Campuchia, CHDCND Lào, và Myanmar. Nếu các nước này đơn giản hoá thủ tục thì người lao động sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Các nước tiếp nhận cũng có thể áp dụng các biện pháp để tận dụng tối đa quá trình di cư lao động này. Malaysia có thể điều chỉnh chính sách nhập cư theo nhu cầu kinh tế của mình, ví dụ sửa hệ thống thuế hiện nay và phối hợp theo chiều sâu hơn nữa với các nước xuất khẩu lao động. Thái Lan cũng sẽ có lợi hơn nếu chính thức ghi nhận lao động nhập cự trái phép hiện nay và tìm cách giảm chi phí nhập cư cho lao động nước ngoài. Singapore đã thiết lập một hệ thống về nhập cư hiện đại và hoạt động tốt nhưng vẫn cần tiếp tục chú ý đến đảm bảo phúc lợi cho lao động nhập cư.

kieu hoi chiem 7 gdp tai viet nam TP HCM: Hơn 70% kiều hối chảy vào sản xuất

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, lượng kiều hối gửi về TP.HCM ...

Xuân Thân