|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kiến nghị điều tra lợi ích nhóm, trục lợi trong xuất khẩu gạo

09:25 | 18/04/2020
Chia sẻ
Trong 39 doanh nghiệp mở được tờ khai xuất khẩu 400.000 tấn gạo hạn ngạch lần này, Công ty Intimex đã chiếm tới gần 1/4.

Trả lời báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết đã đề nghị Chính phủ điều tra, làm rõ việc có hay không cá nhân, tổ chức có liên quan có lợi ích nhóm, trục lợi trong chính sách xuất khẩu gạo.

Ông Cẩn nói với báo giới sẽ điều tra các đối tượng liên quan, thậm chí kể cả công chức hải quan có vi phạm. Hải quan đang báo cáo Bộ Tài chính về việc xuất khẩu gạo để bộ này tổng hợp gửi Thủ tướng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM trưa nay, 17-4, ông Cẩn không phủ nhận cũng không xác nhận mà hướng dẫn phóng viên liên hệ với chánh Văn phòng Tổng cục Hải Quan. 

Tuy vậy, chúng tôi được biết ông Cẩn đã công khai đề xuất điều này vào tối 16-4 trong chương trình thời sự trên VTV. Theo đó, ông Cẩn đề nghị “làm rõ xem các tổ chức, cá nhân có lợi ích nhóm, trục lợi chính sách” trong xuất khẩu gạo hay không.

Kiến nghị điều tra lợi ích nhóm, trục lợi trong xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan, tối 16-4 đề nghị phải điều tra xem cá nhân, tổ chức nào liên quan đến lợi ích nhóm, trục lợi chính sách trong xuất khẩu gạo. Ảnh: C.L

Trước đó, ngày 10-4, Bộ Công Thương đã ra quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4-2020 là 400.000 tấn. 

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải Quan, cho hay: Ngày 11-4 Tổng cục Hải Quan mới nhận được quyết định của Bộ Công Thương và đã khẩn trương thiết lập hệ thống khai báo hải quan theo các tiêu chí của Bộ Công Thương đưa ra. 24 giờ ngày 11-4, hệ thống đã mở và chỉ trong vài tiếng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu đã được đăng ký hết.

Trong tổng số 39 doanh nghiệp đã nhanh chân đăng ký hết số lượng hạn ngạch cho phép, Công ty Intimex đăng ký được tới trên 96.000 tấn, chiếm 1/4 hạn ngạch. Ngay sau đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác đã “kêu” lên tới Thủ tướng vì cho rằng việc mở tờ khai hải quan vào lúc 0 giờ à “có vấn đề”.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 15-4 đã có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác có liên quan về những bất cập, khó khăn gặp phải của các thương nhân khi mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo.

Theo VFA, các thương nhân cho rằng việc đăng ký tờ khai đã được triển khai lúc 0 giờ ngày 12-4 và kết thúc chỉ sau 2 tiếng 30 phút cùng ngày đã có các doanh nhân đăng ký đủ số lượng xuất khẩu 400.000 tấn gạo. 

Vì thế, các thương nhân chưa mở được tờ khai đang có hàng sẵn sàng trên cảng không được phép xuất khẩu và phải đối diện với tất cả chi phí phát sinh từ các container hàng trên cảng.

Về phía các bộ liên quan, ngày 10-4, Bộ Tài chính gửi công văn cho Bộ Công Thương tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo. 

Bộ Tài chính cho rằng: Bộ Công Thương chỉ lập đoàn liên ngành, làm việc nửa ngày với địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu về nguồn cung lúa gạo theo chỉ thị tại Văn bản số 2280/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ là chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.

“Bộ Công Thương chủ trì chỉ thực hiện một cuộc họp trong nửa ngày. Thực chất chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Trong khi đó, Bộ Công Thương thì đề nghị Bộ Tài Chính công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4-2020. Danh sách cụ thể gồm có tên, số lượng, thị trường xuất khẩu, cảng/cửa khẩu xuất khẩu... đến thời điểm hiện nay.

Để có cơ sở tổng hợp báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5 đúng thời hạn, Bộ Công Thương còn đề nghị Bộ Tài Chính cung cấp số liệu xuất khẩu gạo, gửi về Bộ Công Thương trước 17 giờ hằng ngày, thực hiện từ nay đến hết ngày 25-4.

Do có nhiều ý kiến và dư luận, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo về sự việc này cho Thủ tướng trước ngày 18-4.

Bộ Công Thương giải thích về xuất khẩu 400.000 tấn gạo
(PLO)- Bộ Công Thương sẽ soát lại sản lượng, nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước. Đồng thời sẽ xem lại lượng hàng hóa mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng và đang chờ tại cảng trong tháng 4.

Chân Luận