Kiến nghị chưa nên quy định nhà chung cư có thời hạn 50 - 70 năm
Theo kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), hiện nay chưa nên quy định sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn 50 - 70 năm để phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài, là tài sản có giá trị cao để lại cho con cháu, để không gây biến động trên thị trường bất động sản và trong xã hội.
Còn việc xử lý nhà chung cư hết tuổi thọ, nguy hiểm cho người sử dụng thì thực hiện theo cơ chế chính sách quy định tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (có tính khả thi).
HoREA cho biết, Luật Nhà ở 2014 đã quy định hai chế độ sở hữu nhà ở là chế độ sở hữu nhà ở không xác định thời hạn (bao gồm sở hữu căn hộ nhà chung cư) gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài; hoặc chế độ sở hữu nhà ở có thời hạn (bao gồm sở hữu căn hộ nhà chung cư) gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn. Nhưng Luật Nhà ở 2014 không quy định bắt buộc sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn.
Vấn đề quy định bắt buộc sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn 50 - 70 năm áp dụng cho các dự án xây dựng nhà chung cư mới trong thời gian tới cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động thật thấu đáo và cần lấy ý kiến người dân là đối tượng chính bị tác động.
Tuy nhiên, Hiệp hội này cho rằng, cần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà chung cư theo hình thức đầu tư dự án căn hộ dịch vụ (serviced apartment) như hiện nay với thời hạn sở hữu căn hộ theo thời hạn dự án, phổ biến là 50 năm có giá bán chỉ bằng 70~80% giá căn hộ sở hữu vĩnh viễn, để khách hàng lựa chọn và làm quen với sản phẩm căn hộ chung cư sở hữu có thời hạn.
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Xây dựng mới đây đã khẳng định, việc đề xuất sửa đổi chính sách về thời hạn sở hữu nhà chung cư được dựa trên nhiều cơ sở, cả về yêu cầu trong quản lý, sử dụng nhà chung cư vì có liên quan đến tài sản và tính mạng của nhiều người. Cùng đó là căn cứ vào thực tế các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay và có tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Bộ Xây dựng viện dẫn, đề xuất này đã được tham khảo dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Đơn cử như Trung Quốc quy định thời hạn sở hữu từ 50-70 năm, Thái Lan quy định thời hạn sở hữu là 30 năm và có thể gia hạn thêm; Singapore, Mỹ có thời hạn sở hữu tối đa là 99 năm và khi gia hạn thêm thì chủ sở hữu phải nộp thêm một khoản phí nhất định…
Khi công trình nhà chung cư hết thời hạn sử dụng thì sẽ chấm dứt thời hạn sở hữu (trừ trường hợp được gia hạn) và các nước sẽ thực hiện việc phá dỡ, xây dựng lại để bảo đảm an toàn cho người sử dụng cũng như thực hiện chỉnh trang đô thị.
Bộ Xây dựng khẳng định, việc đầu tư xây dựng nhà chung cư trong thời gian tới vẫn là xu hướng chủ yếu tại các đô thị, nhất là tại các đô thị lớn, có yêu cầu tiết kiệm quỹ đất. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới và đề xuất nêu trên cũng sẽ không dẫn đến việc người dân sẽ chuyển từ mua chung cư sang mua nhà đất riêng lẻ, do tâm lý muốn sở hữu lâu dài nhà ở.
Quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tác động đến giá bán nhà ở, giá bán sẽ giảm hơn so với sở hữu lâu dài thì từ đó cũng tạo điều kiện để người dân có khả năng tài chính trung bình cũng có thể tạo lập được nhà ở cho bản thân và gia đình.
Đồng thời, cũng sẽ đáp ứng cho những người có nhu cầu sở hữu một thời hạn nhất định (mà hiện nay Luật Nhà ở 2014 cũng đã có quy định về mua bán nhà ở có thời hạn, khi hết thời hạn mua bán theo thỏa thuận thì người mua phải trả lại tài sản cho bên bán),...
Việc đề xuất các chính sách xử lý cụ thể sẽ giúp người sở hữu nhà chung cư có thời hạn vẫn được bảo đảm quyền lợi của mình, không như các băn khoăn mà dư luận đang quan tâm.
Bộ Xây dựng cũng khẳng định, đây mới chỉ là đề xuất chính sách ban đầu (mang tính chủ trương), sau khi được Quốc hội thông qua đưa vào Chương trình xây dựng luật thì Bộ Xây dựng sẽ dự thảo cụ thể nội dung để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận kỹ, đánh giá tổng thế những tác động của chính sách này trước khi quyết định.