|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Kiến nghị cho chuyển nhượng dự án khi có quỹ đất sạch để giải phóng 500 dự án “tồn kho” tại TP HCM

20:30 | 23/12/2016
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), hiện có khoảng 500 dự án bất động sản tại TP đang bị ngừng triển khai. Đây là "phần chìm của tảng băng tồn kho", nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hợp lý và hiệu quả để xử lý triệt để.

Nguyên nhân là do “điểm nghẽn” về pháp luật chuyển nhượng dự án bất động sản. Cụ thể, Khoản (1.b) điều 194 Luật Đất đai, khoản 2 điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng dự án sau khi đã có Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.

Quy định điều kiện này đã có phần giảm nhẹ hơn so với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2006. Lúc đó đã quy định phải xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì mới được chuyển nhượng dự án, nhưng vẫn không hợp lý, không đáp ứng nhu cầu của thị trường.

HoREA cho rằng việc chuyển nhượng dự án là hoạt động giữa các nhà đầu tư với nhau, chưa phải là bán nhà ở cho người mua nhà. Nếu bên chuyển nhượng chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng thì bên nhận chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoàn tất các công việc này.

Hơn nữa, sau khi nhận chuyển nhượng dự án, có thể doanh nghiệp lại làm thủ tục xin thay đổi quy hoạch dự án, có khi phá bỏ hạ tầng cũ để xây dựng lại theo mục tiêu kinh doanh của mình thì rất lãng phí của cải xã hội và mất rất nhiều thời gian. Doanh nghiệp cần được tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh theo nhu cầu và mục tiêu của mình.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị cho phép doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án.

Đồng thời coi chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh bất động sản theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

kien nghi cho chuyen nhuong du an khi co quy dat sach de giai phong 500 du an ton kho tai tp hcm
Ảnh minh họa: Ndh.

Khảo sát thực tế cho thấy số lượng dự án bất động sản “nằm trùm mền” tại TP HCM hiện vẫn còn khá nhiều. Đơn cử là các dự án của doanh nghiệp mang họ dầu khí như: Công ty CP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland), Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL), Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land)… từng một thời đình đám.

Trong đó "tai tiếng" nhất là dự án Petro Vietnam Landmark còn được gọi là “Tổ hợp công trình Chung cư cao cấp - Trung tâm Thương mại - Văn phòng”, quy mô 1,9 ha thuộc tiểu khu 7 - Khu đô thị An Phú (Quận 2). Dự án do Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC Land) là công ty con của Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) làm chủ đầu tư.

Tọa lại tại một vị trí khá thuận lợi nên ngay từ khi triển khai dự án vào thời điểm 2009 - 2010, Petro Vietnam Landmark đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Đa số khách hàng mua căn hộ tại đây trong giai đoạn từ 2009 - 2012 đã đóng từ 70 - 90% giá trị hợp đồng. Đây là dự án xảy ra nhiều tranh chấp kéo dài vì chậm tiến độ. Gần đây, chủ đầu tư đã có những động thái tái khởi động tuy nhiên tiến độ thi công vẫn ì ạch.

Một dự án khác là Linh Tây Tower (tên cũ là Petro Vietnam Green House) tọa lạc tại phường Linh Tây, quận Thủ Đức, triển khai từ năm 2011, do Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) triển khai. Dự án này có quy mô 1 tầng hầm và 18 tầng nổi. Sau khi xây xong phần ngầm, dự án đã ngưng trệ 1 thời gian dài sau đó đổi tên thành Linh Tây Tower. Vào giữa năm 2015, PVL đã ký kết hợp tác với sàn Danh Khôi để tái khởi động lại dự án này.

Tại quận 9, dự án đình đám Richland Hill của Hiep Phu Thinh JS Company phối hợp cùng Công ty CP địa ốc Đông Á (Đông Á Land) cũng trong cảnh “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu USD và bắt đầu xây dựng vào năm 2007, nhưng sau đó ngừng thi công chỉ sau một thời gian ngắn triển khai.

Chung cảnh ngộ là dự án Khu đô thị Đông Tăng Long do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư cũng đang trong tình trạng "phơi sương" kể từ thời điểm khởi công 2005. Với diện tích hơn 159 ha, đây từng được coi là dự án trọng điểm của quận 9 với 70 block cao từ 6–18 tầng, 2.200 căn nhà liên kế, 324 biệt thự với diện tích từ 400–800m2, dự kiến thu hút tới 35.000 cư dân.

kien nghi cho chuyen nhuong du an khi co quy dat sach de giai phong 500 du an ton kho tai tp hcm
Ảnh minh họa: Ndh.

Ở khu vực huyện Nhà Bè, dự án Kenton Residences do Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mạiTài Nguyên đầu tư từng được mệnh danh “thiên đường nhiệt đới”. Dự án có tổng cộng 9 tòa tháp cao từ 15 -35 tầng, với 1.640 căn hộ. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào thời điểm đó là 300 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành phần thô, đến nay vẫn nằm “phơi nắng, phơi sương”.

Nhiều chuyên gia cũng như giới kinh doanh BĐS cho rằng, sai lầm trong chiến lược kinh doanh đã “phá sản” kế hoạch đầy tham vọng của ông chủ dự án này. Thay vì đưa sản phẩm ra thị trường sớm hơn thì chủ đầu tư lại để xây xong tới tầng 9 mới công bố mở bán lần đầu tiên, nếu bán sớm hơn thì chủ đầu tư có thể “đẩy” được một lượng lớn căn hộ đủ tiền để hoàn thiện dự án.

Ở quy mô "tỷ đô" là dự án Khu đô thị – Đại học quốc tế Berjaya (VIUT) do tập đoàn Berjaya của Malaysia làm chủ đầu tư tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, dự án có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD và quy mô 925 ha bao gồm trung tâm đào tạo hiện đại từ bậc mẫu giáo cho đến đại học, trung tâm thương mại, trung tâm hành chính văn hóa, y tế, công viên… từng được kỳ vọng là trung tâm đào tạo hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, hiện vẫn đang nằm trên giấy.

Duy Khánh