|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiểm tra chuyên ngành ngốn 14.300 tỉ đồng/năm

13:51 | 07/08/2017
Chia sẻ
Chỉ riêng chi phí làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại Cục Hải quan TP HCM năm 2016 đã lên tới hơn 1.091 tỉ đồng.

Theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020, năm 2017, các bộ, ngành liên quan phải đưa 130 thủ tục vào Cơ chế một cửa quốc gia; đồng thời, chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi nghị định thư về cơ chế này có hiệu lực (hiện đã có 9 nước phê chuẩn).

Muốn kiểm tra gì cũng được

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899), đến nay mới có 22 thủ tục của 6 bộ là có tính khả thi để đưa vào thực hiện trong năm 2017, chiếm 17% so với tổng chỉ tiêu đăng ký trong năm 2017. Chỉ có 4 bộ, cơ quan dự kiến sẽ triển khai theo đúng lộ trình đăng ký. Các bộ khác chưa xác nhận số lượng thủ tục sẽ triển khai trong năm 2017 hoặc chưa triển khai thống nhất yêu cầu kỹ thuật, nghiệp vụ nên không có cơ sở bảo đảm tính khả thi.

kiem tra chuyen nganh ngon 14300 ti dongnam

Cán bộ hải quan làm thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái (TP HCM) Ảnh: Hoàng Triều

Bên cạnh đó, tiến độ triển khai sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất chậm. Hiện còn tồn đến 63 văn bản vẫn đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và chưa hoàn thành theo nhiệm vụ được giao.

Một số bộ chưa tích cực trong thực hiện cải cách thủ tục, nhất là kiểm tra hải quan chuyên ngành. Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Vướng mắc hiện nay là văn bản pháp luật quy định kiểm tra chuyên ngành chồng chéo. Ví dụ: quy định một mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ hoặc chỉ 1 bộ kiểm tra nhưng lại chịu nhiều hình thức kiểm tra khác nhau.

Đáng lưu ý là có tới 50% trong tổng số các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của 9 bộ không ban hành kèm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, nghĩa là người trực tiếp kiểm tra muốn kiểm tra gì cũng được!

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm từ 30%-35% tổng số thủ tục hải quan nhưng tỉ lệ phát hiện sai sót rất thấp, chỉ chiếm 0,04%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành chỉ nên chiếm 15% và kiểm tra trên cơ sở đánh giá rủi ro. Có mặt hàng phải kiểm tra 8.000 lô hàng nhập khẩu/năm nhưng trong suốt 2 năm chỉ phát hiện 6 trường hợp sai phạm. Điểm bất hợp lý là có thời điểm, từ mặt hàng xa xỉ có chất lượng đã được công nhận toàn cầu như ô tô Rolls Royce đến những mặt hàng thông dụng như chai rượu, gói bánh, gói kẹo ngoại được người dân xách về làm quà cũng phải làm hồ sơ kiểm tra chuyên ngành. Ô tô thì do Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải kiểm định, bánh kẹo thì phải kiểm tra an toàn thực phẩm.

Giảm thủ tục, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), mỗi năm DN phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng để thực hiện các quy định, thủ tục về quản lý chuyên ngành.

Năm 2016, chỉ riêng chi phí làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại Cục Hải quan TP HCM đã lên tới hơn 1.091 tỉ đồng. Chi phí tối thiểu kiểm tra chuyên ngành cho một tờ khai khoảng 200.000 đồng phí kiểm dịch và 2 triệu đồng phí kiểm tra chuyên ngành.

Cũng theo tính toán của CIEM, nếu giảm được 30% trong số 100.000 mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành như hiện nay có thể giúp nền kinh tế tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4.300 tỉ đồng. Nếu giảm 50% sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỉ đồng.

Rất khó thực hiện

Trong một kết quả điều tra có liên quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, 93% DN được hỏi cho biết quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều và nằm rải rác tại nhiều văn bản khác nhau nên rất khó thực hiện. 89% DN cho rằng nhiều quy định hiện không phù hợp thực tế và 82% đánh giá sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt.

Đốc thúc tiến độ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Chỉ đạo 1899.

Đối với nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30%-35% trên tổng số các lô hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay xuống còn 15% vào cuối năm 2017 để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhưng phải bảo đảm việc quản lý của nhà nước theo quy định của pháp luật và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung theo đúng tiến độ và thời hạn đã đề ra. Những văn bản nào không sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung không kịp phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ rõ lý do.

Đã xử lý trên 180.000 hồ sơ

Thống kê mới nhất của Ủy ban Chỉ đạo 1899 cho biết từ đầu năm đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia đã xử lý trên 180.000 hồ sơ (tăng 107% so với 6 tháng đầu năm 2016) của 12.683 DN (tăng 70%). Hiện đã có thêm VCCI kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số bộ, ngành tham gia lên 11 với 39 thủ tục hành chính.

Tô Hà

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.