|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kiểm toán viên bị đề nghị điều tra trong vụ án thao túng cổ phiếu

21:40 | 16/11/2018
Chia sẻ
Nhóm lãnh đạo Công ty MTM bị cáo buộc đưa cổ phiếu không có giá trị lên sàn, lừa đảo hơn 1.000 nhà đầu tư.

Sau hai ngày thẩm vấn Trần Hữu Tiệp và 14 người về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng giá chứng khoán, Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, Giả mạo trong công tác, sáng 16/11 xác định cần làm rõ một số vấn đề liên quan, thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền của TAND Hà Nội đã công bố quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tòa yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các kiểm toán viên thuộc hai công ty kiểm toán khi chấp nhận hồ sơ, chứng từ giả của MTM tạo điều kiện cho cổ phiếu của công ty này niêm yết trên sàn giao dịch. "Nếu xác định có đủ căn cứ xử lý hình sự, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi của họ", chủ tọa Huyền nêu.

Tòa cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cá nhân các công ty chứng khoán khi cổ phiếu MTM lên sàn, giao dịch.

Cùng với đó, tòa đề nghị xác định các bị cáo đã sử dụng bao nhiêu tài khoản giao dịch chứng khoán để thao túng cổ phiếu MTM không có giá trị, chiếm đoạt tiền tỷ của nhà đầu tư.

Do MTM không hoạt động sản xuất kinh doanh song vẫn có những báo cáo tài chính của công ty này, tòa yêu kiểm tra cầu báo cáo tài chính này có đúng hay không? Nếu không đúng, ai là người tạo ra để xử lý trách nhiệm hình sự...

kiem toan vien bi de nghi dieu tra trong vu an thao tung co phieu
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo Tiệp đứng ngoài cùng bên phải.

Theo cáo buộc, tháng 9/2010, Nguyễn Văn Dĩnh mua lại hồ sơ pháp lý Công ty CP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) với giá ba tỷ đồng để sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm, đa kim loại.

Dĩnh biết công ty không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh song vẫn chỉ đạo em gái Nguyễn Thị Hiên, cấp dưới Ngô Văn Hiến làm giả hồ sơ cho MTM đủ điều kiện được niêm yết cổ phiếu. Dĩnh và đồng phạm làm giả danh sách 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (trị giá 310 tỷ đồng).

VKS cáo buộc bà Hiên nhờ các cán bộ BIDV Nam Hà Nội giúp "chạy khoản" bằng cách hạch toán dòng tiền trên hệ thống phần mềm qua các tài khoản trong nhóm công ty của Dĩnh mở tại ngân hàng này. Mỗi giao dịch thường cách nhau vài phút để lập chứng từ giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền.

Từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2015, nhóm cán bộ ngân hàng đã làm giả 143 chứng từ nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền, tổng cộng gần 360 tỷ đồng.

Lê Đắc Hà (giám đốc phòng giao dịch Đại Kim, BIDV) bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên hạch toán khống 49 chứng từ nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền, tổng cộng 125 tỷ đồng. Đặng Mạnh Hùng (giao dịch viên, phòng giao dịch Đại Kim) ký 79 chứng từ nộp, rút tiền, ủy nhiệm chi, số tiền gần 280 tỷ đồng; Nguyễn Thị Hiền 31 chứng từ, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng; Vũ Thế Vinh 30 chứng từ, số tiền 42 tỷ. Kiểm soát viên Hồ Xuân Lý ký duyệt 91 chứng từ, thể hiện số tiền nộp, rút, là gần 220 tỷ đồng.

Trong khi đó, Hiến qua người quen đã nhờ bà Lê Thị Hằng Nga (giám đốc TPBank Tây Hà Nội) làm giả 7 chứng từ góp vốn, tổng số tiền 130 tỷ đồng. Theo cáo buộc, bà Nga sau đó chỉ đạo Trần Thị Mai Lan (giám đốc dịch vụ khách hàng) hạch toán số giấy tờ Hiến đưa. Số tiền phí thu được gần 39 triệu đồng, cán bộ ngân hàng này để ngoài sổ sách.

Sau khi hoàn thiện các chứng từ giả trên, theo chỉ đạo của Dĩnh, Hiến liên hệ hai công ty kiểm chấp nhận số giấy tờ này.

Hoàn thành các "thao tác" trên, ngày 23/12/2014, Dĩnh chỉ đạo cấp dưới gửi công văn đề nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước công nhận MTM là công ty đại chúng và được chấp thuận. Sau đó, hồ sơ được gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX để đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM. Tuy nhiên, ngày 29/5/2015, Dĩnh bị bắt nên MTM rút hồ sơ đăng ký niêm yết.

Tháng 6/2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (đang bỏ trốn) tiếp cận vợ Dĩnh để thỏa thuận tiếp nhận hồ sơ pháp lý công ty này. Sau đó, Tiệp giữ chức chủ tịch HĐQT, Công làm Trưởng ban kiểm soát MTM.

Công và Tiệp đã đăng ký cổ phiếu MTM lên thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết - Upcom. Công đã dùng 59 tài khoản mở tại một số công ty chứng khoán để tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM, thông qua 43 phiên giao dịch. Nhà chức trách xác định, với hành động này, Công và đồng phạm chiếm đoạt hơn 54 tỷ đồng của hơn 1.000 nhà đầu tư.

Làm giả chứng từ vì vụ lợi

Cơ quan công tố cho rằng, sai phạm của nhóm cán bộ ngân hàng là vì động cơ vụ lợi, muốn thu phí giao dịch và hoàn thành chỉ tiêu giao. Bà Nga, Lan bị truy tố về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Nhóm thuộc cấp là cựu cán bộ ngân hàng Hà, Vinh, Hùng, Hiền, Lý bị cáo buộc phạm tội Giả mạo trong công tác.

Trước tòa chiều 15/11, ông Hà khai khi kiểm tra hồ sơ của khách hàng là công ty MTM, thấy có báo cáo tài chính. Bị cáo còn đọc thấy Công ty MTM có dự án Nhà máy đá vôi, Nhà máy quặng sắt và giao dịch với đối tác, góp vốn. Cựu giám đốc chi nhánh ngân hàng này còn cho hay, việc ký vào các giấy tờ dựa trên thông tin của khách hàng và thấy đủ hồ sơ pháp lý.

Cựu giao dịch viên Vũ Thế Vinh cho rằng chỉ có lỗi trong việc ký vào 30 chứng từ chứ không phạm tội. Bị cáo sốc khi cơ quan điều tra khởi tố và cáo buộc phạm tội Giả mạo trong công tác.

Trước đó, với cáo buộc chủ mưu lừa đảo, thao túng chứng khoán, Tiệp phủ nhận. Bị cáo khai, toàn bộ việc cổ phiếu lên sàn chứng khoán và hoạt động như thế nào đều do Công (hiện bỏ trốn) xử lý. Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng, với vai trò chủ tịch HĐQT, bị cáo khai như vậy "là không thể nghe được".

Xem thêm

Việt Dũng