Kiểm toán dự án BOT: Lúc nào để tránh tranh cãi?
Dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ (giai đoạn I) để xảy ra nhiều tai tiếng Ảnh:TL
Để hiểu được tại sao có chuyện KTNN tham gia vào quá trình quyết toán các dự án BOT, giảm trừ hay công nhận tổng mức đầu tư dự án, chấp thuận hay cắt giảm thời gian thu phí thì phải nắm được các quy định hiện hành.
Một dự án BOT phải thực hiện qua trình tự đầu tư: lập, thẩm định, phê duyệt, công bố dự án, nhà đầu tư và Bộ GTVT ký hợp đồng. Sau đó nhà đầu tư triển khai dự án và khi triển khai xong thì các bên quyết toán dự án, chuyển giao công trình.
Từ các Thông tư và văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT quy định rõ trong các hợp đồng BOT rằng: tổng mức đầu tư được lập ban đầu chỉ là cơ sở để xác định thời gian hoàn vốn làm cơ sở để đàm phán hợp đồng tín dụng và hợp đồng dự án.
Để tránh thất thoát, tham nhũng, trong hợp đồng BOT, căn cứ vào giá trị đầu tư được quyết toán (sau khi cập nhật ý kiến của các cơ quan thanh tra, kiểm toán) mới ra tổng vốn đầu tư chính thức để xác định thời gian thu phí hoàn vốn, lợi nhuận.
Nếu quy định đã rõ như vậy thì sao lại có chuyện các nhà đầu tư BOT phải đề nghị kiểm toán vào kiểm toán trước khi hoàn thành và bàn giao dự án (như BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ, Trung Lương- Mỹ Thuận, Bắc Giang- Lạng Sơn).
Hoặc có đến 14 nhà đầu tư BOT đề nghị KTNN không giảm trừ hơn 2.360 tỉ đồng khi quyết toán dự án và tôn trọng hợp đồng nhà đầu tư đã ký với Bộ GTVT.
Dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ (giai đoạn 2) xây dựng, mở rộng tuyến đường gần 30 km từ 4 làn xe lên 6 làn xe được thực hiện từu 2015 đến nay. Tại thời điểm này, Nghị định 108 về đầu tư BOT và các văn bản hưởng dẫn yêu cầu phải xác định lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nhà đầu tư được hưởng và phải có kiểm toán dự án mới được quyết toán.
Do đó, kể cả trường hợp nhà đầu tư chủ động mời kiểm toán độc lập nhưng sau đó KTNN rà soát lại, phát hiện thấy những điểm chưa đúng quy định, việc quyết toán dự án vẫn có thể không được thực hiện hoặc giảm trừ. Do đó, chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ giai đoạn II đã đề nghị KTNN vào cuộc để nhà đầu tư và Bộ GTVT mới có thể tiến hành các bước quyết toán hợp đồng, phòng những rủi ro sau đó.
Trên thực tế, tại dự án cải tạo BOT- Pháp Vân- Cầu Giẽ giai đoạn I, đi vào khai thác từ cuối 2015 đã để xảy ra rất nhiều tai tiếng khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra mức thu phí cao quá mức (1.500 đồng/km/lượt xe).
Dự án này sau đó phải giảm thời gian thu phí. Thậm chí, dự án này còn “rơi” vào danh mục cấp bách của UBND TP Hà Nội, chỉ định nhà đầu tư thực hiện nhưng không có tiêu chí nào là cấp bách.
Dường như các nhà đầu tư đã có một bước chuẩn bị kỹ hơn đối với dự án BOT sắp hoàn thành để tránh những rắc rối và không minh bạch. Và để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã từng đề nghị các chủ đầu tư chủ động kiểm toán dự án trong quá trình thi công để kịp thời phát hiện những sai sót.
Các dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên mới bắt đầu trển khai, Bộ GTVT đã từng đề nghị KTNN kiểm toán luôn trong quá trình xây dựng, giảm trừ nếu cần thiết.
Nhưng 14 dự án mà các chủ đầu tư BOT đồng loạt kiến nghị Bộ GTVT phải làm đúng hợp đồng, không giảm trừ số tiến và thời gian thu phí như kiến nghị của KTNN lại “rơi” vào thời điểm ký hợp đồng từ năm 2002-2009, khi Nghị định 108 về BOT chưa có hiệu lực ( hiệu lực từ 2010).
Do những “sơ hở”, thiếu chặt chẽ trong quá trình đàm phán hợp đồng tại thời điểm đó, có 5 dự án BOT đã đưa được vào hợp đồng tính lợi nhuận/vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công (tổng số tiền 1420 tỉ đồng) và 9 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác (cỡ 940 tỉ đồng).
Số tiền này Bộ GTVT phải tính vào quyết toán dự án nhưng KTNN yêu cầu không thông qua do không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Tất cả các bên liên quan đã chuyển các kiến nghị này lên Chính phủ để ra quyết định cuối cùng.