|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kiểm toán 253 doanh nghiệp Nhà nước, kiến nghị tăng thu ngân sách gần 11.000 tỉ đồng

06:13 | 21/05/2019
Chia sẻ
Kết quả kiểm toán năm 2018 cho thấy phần lớn các tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã gửi đến Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018. Báo cáo này tổng hợp kết quả của 256 báo cáo kiểm toán tại 212 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017.

Theo đó, trong năm 2018, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 doanh nghiệp thuộc 31 Tập đoàn, Tổng Công ty (TĐ, TCT) và công ty; 1 chuyên đề và 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Những điểm sáng ít ỏi

Kết quả kiểm toán cho thấy 30/31 TĐ, TCT, công ty nhà nước được kiểm toán kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn, trong đó nhiều doanh nghiệp đã đi đầu trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, làm tốt công tác bình ổn thị trường, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, có lợi nhuận cao. 

Cụ thể, năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt lợi nhuận sau thuế 40.632 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 7.255 tỉ đồng, Tổng Công ty quản lí và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) 6.450 tỉ đồng, Mobifone 4.657 tỉ đồng, VNPT 4.358 tỉ đồng, ...

Nhiều doanh nghiệp nhà nước có thu nhập bình quân của người lao động cao. Cụ thể, SCIC 37,8 triệu đồng/tháng; Mobifone 24,68 triệu đồng/tháng; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) 23,1 triệu đồng/tháng; Công ty mẹ - VNPT 23,44 triệu đồng/tháng; VNPT-Media 28 triệu đồng/tháng, ...

Còn nhiều mảng tối

Song bên cạnh kết quả đạt được còn những hạn chế như:

Phần lớn các TĐ, TCT và công ty nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí. 

Cụ thể: Tổng tài sản, nguồn vốn tăng 6.343 tỉ đồng và 1.551.474 USD, giảm 14,8 tỉ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 4.184 tỉ đồng và 219.929 USD, giảm 6,17 tỉ đồng; tổng chi phí tăng 1.304 tỉ đồng, giảm 1.161 tỉ đồng và 1.322.976 USD.

Kết quả, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước 10.896 tỉ đồng và 336.999 USD (tương đương gần 8 tỉ đồng).

Nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển lớn; chưa thực hiện đánh giá giá trị nhập kho hoặc hạch toán giảm chi phí sản xuất kinh doanh đối với vật tư thu hồi từ hoạt động sửa chữa, thay thế, nâng cấp tài sản; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho; đầu tư tài sản cố định chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả gây lãng phí. 

Một số doanh nghiệp trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định. Chẳng hạn, EVN trích thừa 369 tỉ đồng; PVN 17 tỉ đồng; MobiFone 51,8 tỉ đồng; Vietsovpetro 1,33 triệu USD; Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) 21 tỉ đồng.

Một số doanh nghiệp thuộc PVN gửi tiền tại OceanBank bị chậm luân chuyển do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kiểm soát trực tiếp. 

Cụ thể: Công ty mẹ PVN gửi 5.026 tỉ đồng, hơn 86 triệu USD và 2.171 euro; Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) gửi 229 tỉ đồng; Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) 21 tỉ đồng và 102 USD; Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau 333 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn 2.743 tỉ đồng; Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil) 262 tỉ đồng, CTCP Vận tải Sản phẩm khí Quốc tế (PV Trans) 181 tỉ đồng; PVFCCo 284 tỉ đồng.

Kiểm toán 253 doanh nghiệp Nhà nước, kiến nghị tăng thu ngân sách gần 11.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: PVN.

Đặc biệt giai đoạn năm 2010-2015, Ban Quản lý Dự án công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi tiền tại 2 ngân hàng nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật 22,1 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.

Một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính;

Cụ thể, tại PVN: Công ty TNHH MTV Khách sạn Dầu khí PTSC có hệ số nợ/vốn chủ 4,8 lần, Công ty TNHH Khảo sát địa Vật lý PTSC CGGV 3,2 lần, Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi 22,4 lần. Tại EVN: Công ty mẹ-EVNGenco1 là 5,48 lần, Công ty mẹ-EVNGenco là 6,41 lần, Công ty CP Phong Điện Thuận Bình 5,02 lần

Nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích, hệ số bảo toàn vốn thấp; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trực thuộc TĐ, TCT không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể; nhiều khoản đầu tư, góp vốn của các TĐ, TCT thua lỗ. Cụ thể tại PVN: 7/11 công ty ngoài ngành kinh doanh chính lỗ lũy kế lớn; tại PTSC: 5 đơn vị (khoản đầu tư)/20 đơn vị lỗ lũy kế; Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí: 3 đơn vị lỗ 101 tỉ đồng; Công ty mẹ - PVOil: 11/45 đơn vị lỗ; ...

Một số đơn vị trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; góp vốn, sở hữu chéo với các doanh nghiệp trong cùng TĐ, TCT, góp vốn vượt giới hạn không đúng quy định; lập báo cáo giám sát chưa đầy đủ, chưa ban hành quy chế người đại diện vốn. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Chẳng hạn với PVN: Dự án Lô 67 chuyển vượt 142 triệu USD; dự án SK 305 chuyển vượt 15 triệu USD.

Y Vân