|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

KIDO chốt ngày chia cổ tức đặc biệt và thưởng cổ phiếu

17:14 | 27/12/2023
Chia sẻ
Tập đoàn dự kiến chi 267 tỷ đồng để trả cổ tức đặc biệt và dùng toàn bộ hơn 22,5 triệu cổ phiếu quỹ để thưởng cho cổ đông.

Hội đồng quản trị Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) vừa thông qua việc thực hiện chi trả cổ tức đặc biệt năm 2022 bằng tiền mặt và triển khai phương án sử dụng cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu (thưởng cổ phiếu).

Phương án chia cổ tức đặc biệt được thực hiện với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng), tương đương với số tiền dự chi hơn 267 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng vào 12/1/2024 và thời gian bắt đầu chi trả từ ngày 22/1/2024. 

Mức cổ tức đặc biệt này đã được giảm so với con số ban đầu là tối đa 50% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Đợt chia này sẽ diễn ra ngay sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Với phương án thưởng cổ phiếu, công ty dự tính sử dụng hơn 22,5 triệu cổ phiếu quỹ để phân bổ cho cổ đông với tỷ lệ hơn 8,24%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý I/2024, sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. 

Mới đây, KIDO đã hoàn tất phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu ESOP cho 273 người lao động để tăng vốn điều lệ lên 2.898 tỷ đồng. Giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, tương đương thu về số tiền hơn 150 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9, KIDO sở hữu lượng tiền và tương đương tiền gần 2.058 tỷ và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn gần 663 tỷ đồng. Công ty có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.554 tỷ và thặng dư vốn cổ phần 3.107 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, tập đoàn này vừa thông báo chính thức "đặt chân" ngành hàng gia vị quy mô tỷ USD. Doanh nghiệp đã ra mắt các sản phẩm nước mắm, hạt nêm với nhãn hiệu Tường An và Tường An Unicook từ ngày 25/12 với 4 mẫu sản phẩm (SKUs).

Quy mô thị trường thực phẩm gia vị năm 2022 của Việt Nam đạt hơn 35.700 tỷ đồng (riêng mặt hàng nước mắm chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng quy mô trên 15.200 tỷ đồng). Euromonitor International dự báo ngành hàng này sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên hơn 40.800 tỷ vào năm 2026. 

Lãnh đạo KIDO nói sẽ sử dụng lợi thế về thương hiệu Tường An để thâm nhập thị trường trong giai đoạn ra mắt này. Công ty cũng có lợi thế về đội ngũ nhân sự, hệ thống logistics, kênh phân phối bao gồm hệ thống 450.000 điểm bán, nền tảng thương mại điện tử... 

Trước đó, tập đoàn này còn hoàn thành thâu tóm Công ty cổ phần Thọ Phát Quốc Tế - chủ thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Lãnh đạo KIDO cho biết Thọ Phát là mảng ghép quan trọng trong chiến lược mở rộng ngành bánh của tập đoàn. 

Huy Lê

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.