Kích hoạt cỗ máy du lịch nội địa sau dịch: từ khóa là 'an toàn'
Từ khóa "an toàn"
Du lịch Việt Nam đã có đợt kích cầu nội địa lớn vào năm 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng đến nguồn khách quốc tế. Vào thời điểm đó, yếu tố được doanh nghiệp xem là then chốt chính là giá cả dịch vụ. Giá phải giảm sâu thì mới có thể khuyến khích người dân đi du lịch trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Với dịch bệnh Covid-19 lần này, chiến lược dùng giá tốt để gia tăng nhu cầu du lịch cũng được áp dụng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, xu hướng du lịch của du khách hiện thay đổi rất rõ nét, nỗi lo về dịch bệnh rất lớn cho nên yếu tố về vệ sinh, an toàn trở thành vấn đề cốt lõi để kéo khách đi du lịch trở lại.
Du khách cực kỳ quan tâm đến an toàn và vệ sinh cho nên quy trình phòng chống dịch của doanh nghiệp khách sạn, lữ hành... sẽ ảnh hưởng đến khả năng đón khách và phục hồi của chính đơn vị đó.
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các giải pháp mở cửa lại du lịch nội địa để vượt qua Covid-19, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đánh giá, thị trường nội địa với 85 triệu lượt khách vào năm ngoái là điểm khởi đầu để tái phục hồi lĩnh vực du lịch và lữ hành.
TAB cho rằng, Chính phủ cần thực hiện những biện pháp mang lại niềm tin và sự thoải mái cho du khách. Trong bối cảnh dịch bệnh, vệ sinh trở thành yếu tố hết sức quan trọng đối với du khách.
Tổ chức này đánh giá cao việc cơ quan quản lý du lịch đưa ra các quy định về đảm bảo các biện pháp phòng dịch khi đón khách trong thời điểm hiện tại. Khi các biện pháp phòng dịch được thực hiện nghiêm túc, các hành vi vi phạm bị xử phạt thỏa đáng thì mức độ tin tưởng của người dân sẽ gia tăng và sẽ đi lại nhiều hơn.
Hội đồng Tư vấn Du lịch cũng đề nghị, với những khu nghỉ có điều kiện áp dụng việc giãn cách, đặc biệt là khu nghỉ có điều kiện lưu trú riêng như vila, căn hộ dịch vụ tiếp tục áp dụng giãn cách cùng với các dịch vụ đưa đón tự cung cấp và phục vụ ăn uống tại phòng...
Nhiều doanh nghiệp cũng thấy được vấn đề quan trọng này và đã tiến hành nhiều chương trình tập huấn về an toàn phòng dịch cho nhân viên trước khi đón khách trở lại. Trong đó, nhiều doanh nghiệp không chỉ phổ biến các quy định phòng dịch của cơ quan quản lý du lịch mà còn mời chuyên gia, bác sĩ đến trao đổi thông tin về dịch bệnh.
Có những công ty thậm chí còn thay đổi các quy định về đón tiếp, phục vụ khách để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho khách du lịch trong mùa dịch.
"Chúng tôi thực hiện các sáng kiến an toàn cho du khách, trong đó có những thay đổi như thay đổi về quy trình dọn phòng... Chúng tôi cũng đang chuẩn bị để trong 2-3 tuần tới, tất cả khách đến khách sạn có thể thực hiện thủ tục nhận phòng, điền thông tin y tế trực tuyến rồi lấy chìa khóa đi thẳng vào phòng, hạn chế tiếp xúc", ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp mình.
Giá, chất lượng, chinh sách đồng bộ
Hai tuần qua, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt để thu hút khách nội địa. Trong đó, có những công ty có các gói dịch vụ, tour giảm giá đến vài chục phần trăm; những tập đoàn có hệ thống khách sạn lớn khuyến mãi đặt phòng tặng vé máy bay; có nơi áp dụng đặt phòng tặng thêm các dịch vụ khác như bữa ăn, tour tham quan...
Một số địa phương cũng tham gia bằng cách giảm, miễn phí tham quan. Trong đó, kể từ ngày 14-5, tỉnh Quảng Ninh miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử và Bảo tàng Quảng Ninh đến hết tháng và một số ngày lễ trong tháng 6 và 7 sắp tới. Những ngày còn lại của tháng 6 và 7 sẽ áp dụng hình thức mua 1 tặng 1.
Chính sách giá được xem là yếu tố quan trọng để thu hút khách trong bối cảnh tài chính eo hẹp hơn trong dịch bệnh làm khách hàng nhạy cảm với chi phí. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đề nghị, chính phủ cần có chính sách đồng bộ, ưu đãi về thuế, phí để du lịch có thể đưa ra có giá tốt hơn nữa và có thể thực hiện chương trình kích cầu trên quy mô lớn, dài hạn.
Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch, để hỗ trợ lĩnh vực du lịch nội địa, Chính phủ nên từng bước mở và miễn phí tham quan tối thiểu 6 tháng đối với tất cả các điểm du lịch, bắt đầu từ các địa danh thiên nhiên, điểm du lịch ngoài trời, sau đó đến các điểm du lịch trong nhà.
Một đề xuất nữa là Chính phủ cũng nên giảm giá điện, nước cho ngành du lịch ở mức trợ giá tương đương với lĩnh vực sản xuất...
Thêm vào đó, hội đồng cũng đề cập đến phân khúc khách hàng, sản phẩm nội địa cần đẩy mạnh hơn trong giai đoạn này. Đó là, đẩy mạnh và kích cầu du lịch gia đình và du lịch khám phá dành cho người trẻ; khuyến khích những người Việt Nam giàu có, các nhân vật và gia đình có ảnh hưởng lớn đến xã hội đi nghỉ trong nước thay vì nước ngoài để tạo thêm hiệu ứng khuyến khích đông đảo người dân đi du lịch nội địa.
Một vấn đề khác quan trọng không kém là không nên chỉ chạy đua giảm giá mà giảm chất lượng, bớt dịch vụ của khách.
Theo ông Kiên của Thiên Minh, nhóm có thể đi du lịch trong 6 tháng tới là những người không đi du lịch nước ngoài được nên đi trong nước. Vì thế, du khách cần những trải nghiệm trong nước có chất lượng tương đương, có nghĩa là những người này sẳn sàng chi trả, chỉ cần nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu quan trọng nhất là an toàn, kế đến là chất lượng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/