|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kịch bản đối lập chào bán chứng quyền: Nơi cháy hàng, nơi ế ẩm, cá nhân đổ xô mua, tổ chức không mấy mặn mà

18:04 | 19/06/2019
Chia sẻ
Trái với việc 'cháy hàng' với lượng mua cao hơn đáng kể lượng chào bán trong đợt phân phối chứng quyền lần đầu, cảnh tượng ế ẩm được ghi nhận tại một số công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, chỉ có một nhà đầu tư tổ chức duy nhất đăng kí mua chứng quyền trong đợt phát hành này.

Các công ty chứng khoán chào bán chứng quyền với những mã cổ phiếu?

Trong đợt đầu ra mắt sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (covered warrant) tại Việt Nam, có 7 công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ này gồm Chứng khoán BSC, VPS, SSI, HSC, KIS Việt Nam, MBS và VNDirect.

CW

Các sản phẩm chứng quyền được 7 công ty chứng khoán cung cấp. Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Theo đó, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo được các công ty cung cấp dựa trên 6 mã cổ phiếu gồm MWG (Thế giới Di động), HPG (Hòa Phát), MBB (Ngân hàng Quân đội – MB), VNM (Vinamilk), PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) và FPT (FPT). Theo đó, có ba công ty chứng khoán cung cấp hai sản phẩm chứng quyền, những công ty còn lại cung cấp một sản phẩm trong đợt ra mắt. Thời hạn của chứng quyền là 3 tháng và 6 tháng để nhà đầu tư lựa chọn.

Số lượng đăng kí chào bán cao nhất là 5 triệu chứng quyền với chứng khoán cơ sở là mã VNM của Chứng khoán KIS Việt Nam. Số lượng chào bán tối thiểu là 1 triệu chứng quyền.

Chứng quyền với mã MBB được Chứng khoán HSC phát hành với giá cao nhất là 3.200 đồng/cw. Đây là chứng quyền có tỉ lệ chuyển đổi 1:1.

Có hiện tượng 'cháy hàng' trong đợt chào bán với khối lượng đặt mua gấp hơn 2 lần lượng chào bán

Mới các công ty chứng khoán công bố kết quả phân phối chứng quyền không mấy khả quan. Kết quả ghi nhận tại các công ty chứng khoán là đối lập với kịch bản "nơi cháy hàng, nơi ế ẩm".

CW3

Một số công ty có kết quả khả quan trong phân phối chứng quyền. Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Ba công ty phân phối chứng quyền tương đối khả quan là Chứng khoán BSC, MBS và Chứng khoán SSI. Cụ thể, Chứng khoán BSC (Mã: BSI) báo cáo có 98 người đăng kí mua chứng quyền này với số lượng đăng kí là 1.150.500 triệu chứng quyền. Theo đó, công ty chứng khoán này đã phân phối hết một triệu chứng quyền mã MWG, trong đó 97 NĐT cá nhân trong nước đăng kí mua 1.147.500 chứng quyền và được phân phối 997.390 chứng quyền, tương đương tỉ lệ 99,7% đợt phát hành. Duy nhất một nhà đầu tư nước ngoài đăng kí mua 3.000 chứng quyền và được phân phối 2.610 chứng quyền, chiếm tỉ lệ 0,3% lượng chứng quyền phát hành đợt này.

Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cũng công bố kết quả tương đối khả quan trong phân phối chứng quyền mã MBB khi khối lượng đặt mua lên đến 6,43 triệu chứng quyền, gấp 2,4 lần con số chào bán. Kết quả, 2.765.330 chứng quyền được phân phối cho 269 nhà đầu tư cá nhân trong nước và 233.210 chứng quyền phân phối cho duy nhất tổ chức có đăng ký mua. Như vậy, tỉ lệ phân phối là 99,95% tổng số chứng quyền chào bán. Bên cạnh đó, đây là CTCK duy nhân phát hành chứng quyền cho nhà đầu tư tổ chức trong đợt này.

Kịch bản tương tự, Chứng khoán MBS (Mã: MBS) cũng phân phối gần hết lượng chứng quyền chào bán với số lượng đăng kí mua cao hơn đáng kể so với lượng chào bán. Cụ thể, số lượng đăng ký mua vượt 38% lượng chào bán đối với sản phẩm CHPG01MBS19CE và 29% cho sản phẩm CPNJ01MBS19CE.

Về kết quả phân phối cụ thể, 203 NĐT cá nhân trong nước được phân phối 1.999.140 chứng quyền CHPG01MBS19CE với giá chào bán 1.200 đồng/CW, tương ứng tỉ lệ chứng quyền phân phối 99,957%. Trong khi đó, 126 NĐT cá nhân được phân phối 99,952% của 1 triệu chứng quyền CPNJ01MBS19CE, tương đương 999.520 cw.

'Ế ẩm' phân phối chứng quyền tại nhiều công ty chứng khoán

Trái với việc 'cháy hàng' tại ba CTCK trên, cảnh tượng "ế ẩm" trong phân phối chứng quyền được ghi nhận tại bốn công ty còn lại. Theo quan sát, những sản phẩm chứng quyền mà nhà đầu tư không mấy mặn mà chủ yếu có thời gian 6 tháng.

CW4

Ế ẩm trong phân phối chứng quyền tại Chứng khoán VPS, HSC, KIS Việt Nam và VNDirect. Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Tại Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), với việc chào bán 2,4 triệu chứng quyền mã MWG và 2 triệu chứng quyền mã FPT, công ty chứng khoán này chỉ phân phối được với tỉ lệ lần lượt là 17,08% và 36,32% lượng chào bán. Cụ thể, Chứng khoán VNDirect phân phối 409.800 chứng quyền mã MWG cho 65 nhà đầu tư cá nhân và 726.450 chứng quyền FPT cho 101 NĐT.

Kết quả phân phối chứng quyền mã HPG của Chứng khoán VPS không mấy khả quan hơn khi chỉ có 50 nhà đầu tư đặt mua 476.000 chứng quyền, chiếm tỉ lệ 31,73% lượng chào bán. Được biết, Chứng khoán VPS phát hành chứng quyền M_HPG_VPS_CA_T với giá 1.500 đồng/cw theo tỉ lệ chuyển đổi 2:1.

Diễn biến cùng chiều, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) chỉ phân phối được 10.000 chứng quyền mã MBB cho duy nhất nhà đầu tư cá nhân. Tỉ lệ phân phối chỉ đạt vọn vẹn 1% số chứng quyền chào bán.

Đáng chú ý, kết quả phân phối chứng quyền ế ẩm nhất ghi nhận tại Chứng khoán KIS Việt Nam. Cụ thể, không có nhà đầu tư nào đặt mua chứng quyền mã HPG với giá phát hành 1.000 đồng/cw, tỉ lệ chuyển đổi là 5:1 và giá thực hiện là 41.999 đồng/cp. Với sản phẩm còn lại là chứng quyền mã VNM, chỉ có duy nhất nhà đầu tư đặt mua với khối lượng 1.000 cw, tương đương tỉ lệ phân phối 0,02%. Chứng khoán KIS Việt Nam cũng là công ty duy nhất cung cấp sản phẩm chứng quyền mã VNM của Vinamilk trong đợt phát hành đầu tiên.

Nhà đầu tư tổ chức không mấy mặn mà với chứng quyền

Theo quan sát của người viết, có 914 nhà đầu tư cá nhân mua chứng quyền trong đợt phát hành, trong khi chỉ có một nhà đầu tổ chức. Như vậy có thể thấy nhà đầu tư tổ chức không mấy mặn mà mua chứng quyền trong đợt phát hành này.

Hoi thao da thu hut duoc su quan tam cua hang tram NDT (3)

Một nhà đầu tư cá nhân quan tâm sản phẩm chứng quyền có đảm bảo tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư. Ảnh: SSI

Kịch bản này phù hợp với thông tin đưa ra mới đây của quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) – quỹ thành viên lớn nhất của nhóm VinaCapital. Theo quan điểm đưa ra, đây là sản phẩm chủ yếu hướng đến các nhà đầu tư cá nhân thích sử dụng đòn bẩy cao. Sản phẩm chứng quyền sẽ giúp những NĐT cá nhân thể hiện được quan điểm cụ thể về cổ phiếu của họ. Thêm vào đó, quỹ VOF không có ý định đầu tư chứng quyền.

Phan Quân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.