|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Châu Á - 'Rốn' giao dịch chứng quyền thế giới: Hong Kong đứng đầu, NĐT ưa rủi ro còn đến Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore

10:09 | 16/06/2019
Chia sẻ
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tuy chỉ chiếm gần 2% số lượng chứng quyền được phát hành trên toàn cầu nhưng lại có GTGD cao hơn rõ rệt so với các khu vực khác, đạt 831,5 tỉ USD, chiếm tới 87% tổng doanh số giao dịch toàn thế giới.

Gần 87%giá trị giao dịch chứng quyền trên nằm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn các Sở GDCK thế giới (WFE) trong năm 2018, số lượng chứng quyền phát hành và niêm yết trên các Sở Giao dịch Chứng khoán trên thế giới đạt gần 2,3 triệu chứng quyền, tương đương với giá trị giao dịch (GTGD) đạt gần 937 tỉ USD. Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy thị trường chứng quyền đang phát triển mạnh, với tỉ lệ tăng trưởng tổng GTGD trên toàn thế giới năm 2018 đạt 30%.

CW1

Nguồn: Liên đoàn các Sở GDCK thế giới (WFE)

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tuy chỉ chiếm gần 2% số lượng chứng quyền được phát hành trên toàn cầu nhưng lại có GTGD cao hơn rõ rệt so với các khu vực khác, đạt 831,5 tỉ USD, chiếm tới 87% tổng doanh số giao dịch toàn thế giới. Đây cũng là thị trường có tốc độ phát triển mạnh nhất với tỉ lệ tăng 36,3%, từ 610 tỉ USD năm 2017 lên 831,5 tỉ USD trong năm 2018.

Trong khi đó, khu vực Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông đứng thứ hai với doanh số giao dịch 126,2 tỉ USD, chiểm 13,2% và cũng chứng kiến sự chững lại về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, giá trị giao dịch tại khu vực này trong năm 2018 giảm 0,2% so với mức 126,4 tỉ USD năm trước.

Đáng chú ý, với chỉ 334,7 triệu USD, Châu Mỹ là thị trường có GTGD thấp nhất. Tuy nhiên, thị trường này vẫn cho thấy sự phát triển mạnh của sản phầm chứng quyền, với tỉ lệ tăng trưởng 32,3% trong năm 2018.

Điểm danh 10 quốc gia giao dịch chứng quyền lớn nhất thế giới, khu vực Châu Á có 6 gương mặt

Trong top 10 Sở GDCK có doanh số giao dịch chứng quyền lớn nhất thế giới, Châu Á có tới 6 'gương mặt', 4 cái tên còn lại thuộc khu vực Châu Âu. Đáng chú ý, 10 quốc gia giao dịch chứng quyền lớn nhất chiếm đến 98,2 giá trị giao dịch chứng quyền toàn thế giới.

CW2

Nguồn: Liên đoàn các Sở GDCK thế giới (WFE)

Sở GDCK Hong Kong trong nhiều năm qua vẫn luôn đứng đầu về GTGD chứng quyền. Năm 2018, GTGD chứng quyền của Sở GDCK Hong Kong đạt 728,3 tỉ USD, chiếm tới 76% tổng GTGD chứng quyền toàn cầu và 88% khu vực Châu Á.

Đứng thứ hai trong danh sách, Sở GDCK Tel-Aviv (Israel) đạt doanh số 40,8 tỉ USD, và tăng trưởng 33,76% và chiếm 4,3% tổng giá trị giao dịch của 10 quốc gia lớn nhất.

Bên cạnh đó, một số thị trường chứng quyền tại Châu Á cũng có hoạt động ấn tượng như Thái Lan (30,8 tỉ USD), Hàn Quốc (26,2 tỉ USD), Đài Loan (23,3 tỉ USD) và Singapore (15 tỉ USD). Đáng chú ý, Thái Lan là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 10 với tỉ lệ 75,29%.

Ngoài ra, trong năm qua, tuy chỉ đứng thứ 11 trong danh sách các thị trường có doanh số giao dịch chứng quyền lớn nhất thế giới, thị trường Malaysia đã có sự tăng trưởng vượt bậc với gần 300% tăng trưởng.

Khu vực Châu Âu có 4 cái tên trong top 10 thị trường chứng quyền lớn nhất, tuy nhiên cả 4 thị trường này đều có GTGD giảm trong năm 2018. Cụ thể, Sở GDCK Thụy Sỹ giảm mạnh nhất 29,82%, theo sau là Sở GDCK Châu Âu - Euronext (-15,81%) giảm 15,81%, Sở GDCK London - thuộc tập đoàn LSE Group (-13,15%) và Sở GDCK Frankfurt - Đức (-7,7%).

Trong khi đó, khu vực châu Mỹ không có thị trường nào nằm trong top10 thị trường chứng quyền lớn nhất thế giới.

Kinh nghiệm phát triển chứng quyền tại Đài Loan

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sản phẩm chứng quyền là một sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Với đặc điểm là tỷ lệ đòn bẩy cao hơn giao dịch ký quỹ, chứng quyền thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân mà không làm gia tăng rủi ro mất thanh toán từ khối nhà đầu tư cá nhân. 

Hơn nữa, chứng quyền giúp gia tăng tính thanh khoản cho tài sản cơ sở thông qua hoạt động giao dịch tài sản cơ sở của nhà phát hành để phòng hộ rủi ro. Đặc điểm đòn bẩy tuy là một lợi điểm thu hút nhà đầu tư giúp khuếch đại lợi nhuận nhưng cũng là hạn chế của sản phẩm mang tính chất rủi ro cao so với việc đầu tư trực tiếp từ tài sản cơ sở, và nhà đầu tư sẽ gánh chịu tổn thất cao hơn nhiều lần so với đầu tư cổ phiếu. 

Thị trường chứng quyền chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi trình độ hiểu biết của nhà đầu tư và tổ chức phát hành là ngang nhau. Đối với những thị trường chứng quyền có bề dày kinh nghiệm và lịch sử phát triển tương đối dài như Đài Loan và Hồng Kông, ngoài việc tăng cường thắt chặt quản lý và giám sát thị trường để không xảy ra các tác động tiêu cực đến tính bền vững của thị trường chứng khoán, công tác đào tạo nhà đầu tư luôn là vấn đề cốt lõi nhằm đảm bảo sự phát triển chung của thị trường.

A1]

Thị trường chứng quyền Đài Loan. Ảnh: EPA

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra dẫn chứng tại thị trường Đài Loan cho tầm quan trọng của việc phải am hiểu đầy đủ các rủi ro của chứng quyền. Theo đó, trong giai đoạn đầu phát triển thị trường, các tổ chức phát hành thu được khá nhiều lợi nhuận và nhà đầu tư tại Đài Loan chịu khá nhiều tổn thất do không am hiểu đầy đủ về sản phẩm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cáo buộc các tổ chức phát hành có sai sót trong quá trình thiết kế sản phẩm. Ủy ban Hợp đồng tương lai và Chứng khoán Đài Loan đã thực hiện điều tra và không thấy có sự bất thường trong khâu thiết kế sản phẩm của các tổ chức phát hành.

Hiện nay, Sở GDCK Đài Loan đã áp dụng nhiều chính sách, chương trình đào tạo đa dạng hướng tới một thị trường chứng quyền hoạt động hiệu quả. Một số chương trình được áp dụng như website có công thức định giá chứng quyền tự động để nhà đầu tư tự xác định giá chứng quyền hay hình thành Hiệp hội Chứng quyền Đài Loan nhằm đào tạo nhà đầu tư…

Tại Việt Nam, để chuẩn bị cho công tác đưa sản phẩm chứng quyền vào giao dịch, HOSE đã phối hợp cùng các công ty chứng khoán thực hiện công tác đào tạo phổ biến kiến thức cho thị trường và nhà đầu tư.

Tính từ năm 2016 đến nay, HOSE đã thực hiện đào tạo hơn 700 sinh viên, giảng viên; gần 30 đơn vị báo chí; hơn 600 cán bộ và hàng nghìn nhà đầu tư của các công ty chứng khoán. Ngoài ra, tài liệu hướng dẫn về sản phẩm cũng được đăng tải và công bố rộng rãi thông qua Website và trang Facebook của Sở, sẵn sàng cho việc triển khai chúng thức sản phẩm trong năm 2019.



Sơn Tùng