Khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa toàn châu Âu
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục đáp trả các mức thuế của Mỹ nếu cần thiết | |
Tổng thống Donald Trump áp thuế gấp đôi lên nhôm, thép Thổ Nhĩ Kỳ |
Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá đến 17% so với đồng USD, phản ánh hàng loạt vấn đề mà nước này đang đối mặt, trong đó có căng thẳng ngoại giao với Mỹ và sự chần chừ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc nâng lãi suất.
Tổng thống Donald Trump ngày 10/8 cho biết đã ra lệnh nâng gấp đôi thuế nhôm, thép nhập khẩu đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, vào ngày 1/8, Washington thông báo trừng phạt bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, cấm công dân và doanh nghiệp Mỹ làm ăn với nước này, sau khi đe dọa áp đặt “các đòn trừng phạt lớn” nếu Ankara không thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn không nhượng bộ. “Đừng quên điều này: nếu họ có đồng USD, chúng ta có nhân dân, công lý và Chúa. Chúng ta sẽ vượt qua cuộc chiến kinh tế này một cách thắng lợi”, ông Erdogan tuyên bố.
Tuyên bố trên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không thể trấn an thị trường. Đồng lira, mất giá đến gần 40% so với đồng USD trong năm nay, tiếp tục lao dốc trong thời gian ông Erdogan phát biểu.
Đồng lira mất giá gần 40% so với đồng USD trong năm nay. Nguồn: Murad Sezer/Reuters. |
Ông Rodrigo Catril, chiến lược gia tiền tệ cao cấp của National Australia Bank tại Sydney, cho biết nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại về lạm phát tăng và khả năng xử lý lạm phát của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngân hàng trung ương này đang chịu nhiều sức ép từ Tổng thống Erdogan, người vừa tái đắc cử hồi tháng 6, trong việc giữ lãi suất ở mức thấp dù tỷ lệ lạm phát lên đến 15% trong tháng 7.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại kỳ vọng của thị trường và giữ nguyên chính sách tiền tệ trong cuộc họp gần đây. Điều này có thể khiến ông Erdogan vui lòng, nhưng các nhà kinh tế cho biết ngân hàng này có thể buộc phải có các hành động khẩn cấp.
“Có nhiều lý do để cho rằng việc tăng lãi suất khẩn cấp trong cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay có thể chỉ có tác dụng giải nguy tạm thời”, ông William Jackson – trưởng chuyên gia kinh tế các thị trường mới nổi tại Capital Economics, nhận định.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay từ 5,5% xuống còn 4%. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo tác động sẽ tồi tệ hơn rất nhiều nếu niềm tin không sớm được khôi phục.
“Suy thoái và khủng hoảng nợ, vốn đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện kiểm soát vốn và cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, không thể bị phớt lờ thêm nữa”, nhà kinh tế học châu Âu Carsten Hesse của ngân hàng đầu tư Berenberg (Đức) cho biết.
Tổng thống Erdogan dường như quyết tâm chiến đấu đến cùng. Ngày 10/8, ông kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ đổi USD và euro để lấy lira nhằm bảo vệ đồng nội tệ.
Tuy nhiên, rất nhiều thứ đang chống lại đồng lira. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump cho biết sẽ đánh thuế gấp đôi lên nhôm, thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, mức thuế mới áp lên nhôm và thép Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 20% và 50%. Ông Trump cho biết quan hệ của nước Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ ở hiện tại là “không tốt”.
Thời điểm mức thuế mới có hiệu lực vẫn chưa được công bố.
Chuyện không của riêng Thổ Nhĩ Kỳ
Quan ngại của nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang tình trạng sức khỏe của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ những ngày gần đây.
Tờ Financial Times đưa tin Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) lo ngại về tác động của tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ đến các ngân hàng châu Âu do đồng lira lao dốc không phanh. ECB từ chối đưa ra bình luận.
Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy các ngân hàng khu vực eurozone có các khoản cho vay trị giá hơn 150 tỷ USD tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các ngân hàng Tây Ban Nha, Pháp và Ý bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Giá euro lao dốc theo đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Getty Images. |
Giá cổ phiếu của một số ngân hàng lớn nhất châu Âu giảm mạnh ngày 10/8. Giá cổ phiếu các ngân hàng UniCredit (Ý), BBVA (Tây Ban Nha), BNP Paribas (Pháp) và Deutsche Bank (Đức) giảm lần lượt 5,6%, 5,5%, 4,3% và 5,3%. Cùng ngày, giá euro cũng giảm 0,9% so với đồng bạc xanh.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng nhanh trong năm nay so với năm 2017. Tuy nhiên, tăng trưởng những năm gần đây chủ yếu nhờ các dự án xây dựng do nhà đầu tư nước ngoài cấp vốn.
Giới đầu tư lo ngại khả năng huy động tiền của Thổ Nhĩ Kỳ trong những giai đoạn khó khăn để trang trải các khoản nợ. “Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá và chi phí vay tăng khiến nhiều doanh nghiệp nước này đau đầu vì họ phải vay ngoại tệ dù nhận doanh thu bằng đồng nội tệ”, ông Hesse cho biết.
Xem thêm |