|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khủng hoảng điện tại Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu

07:19 | 02/10/2021
Chia sẻ
Theo một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng điện này có thể khiến một số nhà sản xuất công nghệ chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo CNN, cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc đang gây ra tình trạng mất điện, buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, qua đó đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc còn gây ra mối đe dọa khác đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Các phương tiện truyền thông nhà nước đã đưa tin các công ty ở những vùng trung tâm được chính phủ yêu cầu hạn chế tiêu thụ năng lượng để giảm nhu cầu điện năng. Theo Global Times, một đợt cắt điện "chưa từng có" đã xảy ra ở ba tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, dẫn đến sự gián đoạn trong đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh doanh. Tình trạng thiếu điện cũng xảy ra tại tỉnh Quảng Đông, một trung tâm công nghiệp và vận tải biển lớn của Trung Quốc.

Các nhà cung cấp lớn đang chuẩn bị đối phó với những tác động mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt vì sự chẫm trễ trong chuỗi cung ứng do tình trạng thiếu điện của Trung Quốc.

Pegatron – một công ty Đài Loan chuyên sản xuất linh kiện và lắp ráp iPhone cho gã khổng lồ Apple cho biết họ đang hợp tác với chính quyền Trung Quốc để kích hoạt các cơ chế tiết kiệm năng lượng cũng như điều chỉnh dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu giảm tải năng lượng tiêu thụ. Pegatron có một nhà máy lớn ở thành phố Côn Sơn, nơi truyền thông đưa tin rằng chính quyền đang hạn chế cung cấp điện.

Chi nhánh Eson Precision Engineering của Foxconn - nhà lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp các bộ phận cơ khí quan trọng cho Apple và Tesla cho biết họ đã tạm ngừng sản xuất từ 26/9 đến 1/10 tại các cơ sở ở thành phố Côn Sơn, Trung Quốc. Động thái này đến sau khi chủ trương ngừng cung cấp điện phục vụ công nghiệp của thành phố được đưa ra.

Unimicron Technology, một nhà cung cấp bảng mạch in chính của Apple cho biết các công ty con của họ tại các thành phố Tô Châu và Côn Sơn thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cũng cần ngừng sản xuất từ trưa 26/9 cho đến cuối tháng 9.

Concraft Holding Co Ltd, nhà cung cấp linh kiện loa cho iPhone và sở hữu nhà máy sản xuất ở thành phố Tô Châu, cho biết họ sẽ tạm ngừng sản xuất trong 5 ngày sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu.

Khủng hoảng điện tại Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu - Ảnh 1.

Cuộc khủng hoảng điện gây khó khăn cho chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. (Ảnh: Think China).

Hai đơn vị sản xuất chip United Microelectronics Corp và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd may mắn hơn, cho biết các nhà máy Trung Quốc không có nhiều tác động đến họ, theo Reuters.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy, một số nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm chip cho Intel, Nvidia và Qualcomm cũng nhận được thông báo tạm dừng sản xuất tại các cơ sở của họ ở Giang Tô trong vài ngày.

Việc ngừng hoạt động ở những khu vực thường lắp ráp các mô-đun điện thoại thông minh có thể dẫn đến sự chậm trễ trong thời gian ngắn. Ngoài ra, việc cắt giảm điện đột ngột tại Trung Quốc cũng thúc đẩy một số công ty chuyển ra các nước khác.

"Nhiều công ty đứng trước rào cản khi muốn đầu tư vào Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là nơi lý tưởng, nhưng các doanh nghiệp hiện đang tìm cách thay thế bằng việc chuyển sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam", Johan Annell, đối tác của Asia Perspective, một công ty tư vấn hoạt động tại Đông Á và Đông Nam Á chia sẻ trên CNBC.

Cú sốc này thậm chí đang khiến các nhà kinh tế cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích tại Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2021 xuống còn 7,7% vào tuần trước, với lý do "số lượng nhà máy gia tăng" đã phải "ngừng hoạt động" do yêu cầu giảm tiêu thụ năng lượng tại địa phương. Trong khi đó, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 8,2% xuống 7,8%, với lý do "những đợt cắt giảm sản xuất mạnh trong một loạt các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng cao."

Theo Dale Gai, giám đốc của Counterpoint Research, việc cắt giảm điện có thể tạo ra những cơn đau đầu mới cho chuỗi cung ứng công nghệ, mặc dù có thể không nghiêm trọng bằng sự thiếu hụt chip máy tính trên toàn thế giới, vốn đã gây ra ảnh hưởng đến mọi thứ, từ ô tô, máy giặt đến các thiết bị điện tử khác.

"Sự chậm trễ đó có thể xảy ra trong một tuần hoặc lâu hơn, tuy nhiên điều này vẫn có thể kiểm soát", ông Dele Gai cho biết.

Quốc Anh