Khủng hoảng Boeing 737 Max: Một dòng tweet của ông Trump có thể xoay chuyển tình hình
Sự cố đầu tiên của chiếc Boeing 737 Max 8 thuộc về hãng Lion Air xảy ra vào tháng 10/2018. Ảnh: Getty Images
Liệu Cục Hàng không Liên Bang Mỹ (FAA) sẽ tham gia cùng các nhà quản lí ở những quốc gia khác và đưa ra lệnh cấm bay trên toàn cầu đối với dòng Boeing 737 Max 8, có liên quan đến hai tai nạn tương tự nhau trong vòng 5 tháng? Câu trả lời vẫn chưa rõ ràng như một số người nghĩ.
Mặc dù cơ quan này đã đưa ra một thông báo vào ngày 11/3 cho 59 nhà khai thác Max 8, trong đó nói rõ về khả năng tiếp tục vận chuyển hàng không của dòng máy bay này, quyết định về việc có nên ngưng sử dụng Boeing 737 Max 8 phụ thuộc vào nhiều đánh giá chính trị cũng như đánh giá kĩ thuật.
Các hãng hàng không và nhà chức trách tại các quốc gia khác đã đưa ra quyết định riêng. Trung Quốc, Indonesia, Singapore và Australia đã đình chỉ hoạt động của dòng Boeing 737 Max, trong khi các hãng hàng không riêng lẻ như Ethiopian Airlines Group, Grupo Aeromexico SAB de CV và GOL Linhas Aereas Inteligentes SA của Brazil cũng đã quyết định cấm bay. Kết quả là, khoảng một phần ba đội bay gồm 350 máy bay Boeing 737 Max đã ngưng hoạt động.
Mặc dù FAA là cơ quan quan trọng nhất tại Mỹ trong việc chứng nhận máy bay Boeing, quyết định được đưa ra bởi các quốc gia khác cũng có khả năng tác động đến cơ quan này.
Trên thực tế, hiện tại không ai có thể chắc chắn 100% liệu sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa vụ tai nạn của chuyến bay mang số hiệu 302 của Ethiopian Airlines vào ngày 10/3 và chuyến bay mang số hiệu 610 của PT Lion Mentari Airlines hồi tháng 10/2018 chỉ là một sự trùng hợp đáng tiếc, hay là dấu hiệu của một vấn đề phức tạp hơn.
Trong hoàn cảnh rối ren này Boeing và nhiều hãng hàng không đối tác sẽ muốn các nhà chức trách chờ đợi bằng chứng xác thực trước khi thực hiện bất kì quyết định đình chỉ bay nào. Mặt khác, hành khách và các công đoàn phi công-tiếp viên sẽ muốn đảm bảo rằng các chuyến bay an toàn cũng như tìm một cách tiếp cận thận trọng hơn.
Cân bằng hai ưu tiên này không hề dễ nếu FAA đặt tính mạng của hành khách và phi hành đoàn vào nguy hiểm vì lo sợ hành động quá cứng rắn chống lại Boeing sẽ ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của cả hai bên.
Chưa có thông báo kĩ thuật nào kích hoạt cho lệnh yêu cầu ngừng bay đối với chiếc Boeing 737 Max. Thay vào đó, lệnh yêu cầu ngừng bay chỉ có thể được đưa ra bởi đánh giá của cơ quan có thẩm quyền – FAA. Tình hình càng trở nên phức tạp khi FAA hiện không có một người lãnh đạo thường trực. Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ, bà Elaine Chao, người chịu trách nhiệm về FAA và có tiếng nói quyết định trong vấn đề này, dường như đang lựa chọn phương án "hoãn binh" chờ diễn biến tiếp theo.
Trong khi đó, CEO của Boeing - ông Dennis Muilenburg đã dành nhiều thời gian và công sức để trở nên thân cận với Tổng thống Trump. Ngày 17/2/2017, ông Trump là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm khuôn viên mở rộng của Boeing tại North Charleston bang South Carolina và tham dự buổi ra mắt chiếc Boeing 787-10 Dreamliner mới của hãng. Trong 4 tuần làm tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump đã gặp CEO của Boeing tới 3 lần và nói chuyện qua điện thoại khoảng 6 lần khác.
Ông Trump cũng là người có thể đảo ngược tình thế khó khăn hiện nay của Boeing chỉ với một dòng tweet.
Một điểm đáng lưu ý là FAA đã xem xét hoạt động của Boeing 737 Max 8 trong vòng 5 tháng kể từ vụ tai nạn của hãng Lion Air, bao gồm cả hoạt động của các cảm biến góc tấn công và Hệ thống Đặc tính Truyền động Tăng cường (nhiều khả năng gặp trục trặc khi sự cố xảy ra). Điều này đã ảnh hưởng đến mức độ tự tin của FAA về khả năng tiếp tục vận chuyển hàng không của Boeing 737 Max 8. Thật khó để tin rằng FAA vẫn sẽ ủng hộ mẫu máy bay này nếu vẫn còn dù chỉ một chút nghi ngờ sót lại.
10 mẫu máy bay thường xuyên gặp sự cố nghiêm trọng. Các dòng Boeing 737 thế hệ cũ dẫn đầu với 78 sự cố; Boeing 737 Max có 2 sự cố. Nguồn: Bloomberg.
Mặc dù vậy, trong quá khứ, FAA từng bị cho là quá nhẹ tay. Nhiều người đã cáo buộc cơ quan này "ngó lơ" khi Southwest Airlines bỏ bê việc kiểm tra và bảo dưỡng máy bay của hãng này đúng cách.
Trong trường hợp của chiếc 787 Dreamliner, bị ngừng bay trong 123 ngày vào năm 2013 sau khi đám cháy bùng phát trong các gói pin lithium-ion trên máy bay, một đánh giá của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho thấy FAA thiếu chuyên môn kĩ thuật trong việc đánh giá độ an toàn của các công nghệ mới được sử dụng và quá tin tưởng vào các giả định của hãng Boeing.
Đồng thời, nhiều người khác còn lập luận rằng FAA đã lạm dụng quyền lực khi đưa ra lệnh cấm bay đó bởi Boeing 787 Dreamliner đã trở thành một chiếc máy bay phổ biến với một hồ sơ an toàn xuất sắc.
"Thật sai lầm khi vội vàng đưa ra phán xét" trong vụ Boeing 737 Max, ông Kenneth Quinn, đối tác tại Baker & McKenzie LLP kiêm cựu cố vấn trưởng của FAA, người từng chứng thực cho nhà sản xuất pin của Boeing – GS Yuasa – trong vụ Dreamliner, nói qua điện thoại vào hôm 11/3.
"Đó là một chiếc máy bay phức tạp được vận hành bởi con người. Hãy để các sự kiện thực tế được xác định và phân tích, và đừng để áp lực chính trị hay truyền thông can thiệp vào quá trình đang diễn ra", ông Quinn nói.
Đây là một nhận định hợp lí, tuy nhiên, với hàng chục nghìn người tin tưởng mạng sống của họ vào Boeing 737 Max mỗi ngày, không ngạc nhiên mấy nếu hành khách mong đợi một cách tiếp cận chủ động hơn.