|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khu kinh tế ven biển: Nhiều trăn trở cần phải giải quyết

06:48 | 12/04/2018
Chia sẻ
Các khu kinh tế ven biển đã thu hút được dòng vốn “khủng” từ nguồn vốn cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, việc phát triển các khu kinh tế này vẫn còn nhiều trăn trở.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 18 khu kinh tế ven biển, trong đó có 15 khu đã và đang được xây dựng, 3 khu khác chuẩn bị đi vào triển khai, chiếm hơn 730 nghìn ha mặt đất, mặt nước.

Triển vọng từ các khu kinh tế ven biển

khu kinh te ven bien nhieu tran tro can phai giai quyet

Khu kinh tế ven biển Chu Lai, Quảng Nam là một trong những khu kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng để ưu tiên tập trung đầu tư.

Theo số liệu thống kê đến tháng 12/2016, các khu kinh tế ven biển đã thu hút được 354 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 42 tỷ USD.

Trong đó, vốn đầu tư thực hiện đạt 20,2 tỷ USD, bằng 48,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhà đầu tư trong nước đã đầu tư 1.079 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 805.200 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 347.900 tỷ đồng, bằng 43,2% vốn đầu tư đăng ký, giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 lao động.

Ngoài ra, tổng doanh thu của các khu kinh tế ven biển đạt khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng.

Có được điều này phải kể đến tầm nhìn chiến lược đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển giữ vai trò chủ đạo cho mục tiêu kinh tế trên biển và ven biển của Việt Nam đóng góp 53 – 55% GDP. Ngoài ra, Vân Đồn, Vân Phong, và Phú Quốc sắp chính thức trở thành những đặc khu kinh tế của Việt Nam và đi kèm với đó là những chính sách ưu đãi đặc thù nhằm hướng tới mức thu nhập bình quân đầu người/đặc khu là 10.000 USD.

Theo đó, các khu kinh tế sẽ được hưởng lợi từ chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2020 vừa được phê duyệt.

Với hơn 20.982 tỷ đồng vốn, trong đó phần lớn là vốn ngân sách được tính toán đầu tư vào nhiều mục tiêu, như hoàn thành từ 200-250km đường giao thông chính, xử lý nước thải tập trung với công suất từ 13.000-14.000m3/ngày đêm, hạ tầng kỹ thuật và xã hội các khu tái định cư với tổng diện tích từ 150-200ha của 16 khu kinh tế ven biển.

Nhiều tồn tại cần giải quyết

Bên cạnh những đóng góp vào tăng trưởng và thu hút đầu tư không thể phủ nhận như kể trên, vẫn phải nhìn nhận vào thực tế rằng, các cơ chế chính sách đang áp dụng cho các khu kinh tế ven biển hiện nay tập trung chủ yếu vào chính sách ưu đãi thuế và ưu đãi về đất đai. Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI và việc quản lý doanh nghiệp sử dụng đất vẫn còn rất lỏng lẻo.

Hiện tượng doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, chuyển giá, trốn thuế, lãng phí đất đai vẫn diễn ra nhiều và khó quản lý. Một bộ phận nhà đầu tư tại các khu kinh tế ven biển hiện nay có thể thoải mái để đất bỏ hoang nhiều năm không tiến hành đầu tư vẫn không bị ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp đã hưởng lợi từ ưu đãi thuế hoặc có hành vi chuyển giá để trốn thuế.

Đã có lý giải cho rằng, một phần không nhỏ trong con số 30.000 tỷ đồng là thuế gián thu, thực chất là phần người tiêu dùng ủy thác doanh nghiệp đóng hộ. Như vậy thì người dân Việt Nam cũng không thực sự được hưởng lợi nhiều từ các khu kinh tế ven biển này.

Đưa ra một trong những kiến nghị nhằm giải quyết những tồn tại này, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: “Phải quản lý sát sao quỹ đất và cân nhắc tính hai mặt của các ưu đãi thuế, đối phó hiệu quả với các hành vi chuyển giá, trốn thuế. Việc tìm kiếm, lựa chọn và trao quyền đầu tư phát triển cho một, hoặc nhóm các nhà đầu tư thực hiện các cơ chế đặc thù theo định hướng mô hình tổ chức và mục tiêu dài hạn nhằm định hình chuỗi cung ứng mới là rất quan trọng để có sự đột phá trong phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp thời gian tới”.

Ngọc Hà