Không phải xe có mã 'luồng xanh' là được vào TP Cần Thơ
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan COVID-19, TP Cần Thơ đã yêu cầu tất cả các phương tiện ngoại tỉnh không được vào địa bàn từ tối ngày 30/7.
Để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, thành phố đã lập 5 bãi trung chuyển ở các cửa ngõ vào thành phố. Các điểm này đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/8.
Theo quy định của Tổng cục đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải, những xe được cấp mã QR “luồng xanh” sẽ được ưu tiên chở hàng hoá vào 19 tỉnh, thành phía Nam.
Tuy nhiên, một số tài xế xe luồng xanh phản ánh, họ không được vào nội ô TP Cần Thơ mà phải giao nhận hàng ở các bãi trung chuyển.
Từ ngày 2/8, TP Cần Thơ bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 10 của UBND thành phố về việc tăng cường một số biện pháp cấp bách thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn cho đến 0h ngày 16/8.
Theo Chỉ thị 10, Cần Thơ cấm các phương tiện giao thông, bao gồm người điều khiển và người đi cùng trên phương tiện, từ các tỉnh, thành phố khác vào Cần Thơ.
Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa sẽ được kiểm tra tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do thành phố quy định.
Để nhận hàng hoá ở Cần Thơ trong thời gian này, tài xế buộc phải đậu xe ở bãi trung chuyển và chờ một xe khác trong thành phố ra để giao nhận hàng, còn không thì phải quay về. Nhiều phương tiện có mã luồng xanh khác cho biết cũng gặp tình trạng tương tự.
Có mặt tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 đặt tại nút giao đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với đường tỉnh 919, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh ngày 3/8, chúng tôi chứng kiến nhiều xe tải chở hàng hóa đỗ tại bãi tập kết để chờ sang hàng.
Anh Huỳnh Thế Hiển, tài xế ở tỉnh Hậu Giang cho biết, xe anh chở gas từ xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lên giao cho khách hàng ở huyện Vĩnh Thạnh, đã được cấp mã nhận diện luồng xanh.
Khi đến chốt kiểm soát, phương tiện của anh Thiện được lực lượng chức năng hướng dẫn vào bãi tập kết để chờ một xe khác từ bên huyện Vĩnh Thạnh chạy ra để sang hàng, chứ không được chạy thẳng đến điểm giao hàng như trước đây.
Theo tài xế Thiện, anh thấy cách làm của TP Cần Thơ là hợp lý vì trong trong hình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần có biện pháp hạn chế người địa phương khác vào thành phố để ngăn ngừa vi rút lây lan.
Tuy nhiên, theo một số tài xế, việc vào bãi tập kết để trung chuyển hàng cũng có khó khăn, như phát sinh thêm chi phí do quá trình vận chuyển hàng phải chia làm hai chặng.
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, lái xe tải chở phân bón từ tỉnh An Giang sang giao hàng tại Cần Thơ cho biết: “Sang hàng thì tốn nhiều chi phí hơn nên cũng trở ngại.
Từ khi Cần Thơ có quy định này, để giao hàng khi đến chốt kiểm soát thì chúng tôi gọi cho chủ hàng biết để họ đem xe ra sang hàng. Theo tôi, nếu đã xét nghiệm lái xe và người đi cùng âm tính thì cứ cho vào giao hàng thôi, những chỗ khác cũng vậy”.
Theo quy định của TP Cần Thơ tại Chỉ thị 10, để giao nhận hàng hóa, tài xế và người đi cùng phải trình Giấy chứng nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2 thời hạn 72 giờ.
Quá trình đưa phương tiện đến bãi chờ bốc dỡ, tài xế ngoại tỉnh và người đi cùng phải ngồi trên xe. Phía bên nhận hàng, tài xế cũng phải có Giấy chứng nhận kết quả âm tính. Quá trình bốc dỡ phải được thực hiện nhanh, gọn. Sau đó, xe ngoại tỉnh phải rời khỏi thành phố ngay sau khi giao nhận hàng hoá.
Trong trường hợp các xe chở hàng hoá siêu trường, siêu trọng, hàng đông lạnh, hàng hải sản tươi sống, hàng không thể tháo rời…, lái xe phải trình hợp đồng và cam kết di chuyển đúng lộ trình mới được vào thành phố giao hàng.
Nếu có nhu cầu giao, nhận hàng hóa tại vị trí đã được đăng ký trên lộ trình ghi trong Giấy nhận diện có mã QR Code hoặc địa điểm trong tờ khai báo y tế thì thông báo cho lực lượng chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện nhanh chóng tiếp tục lưu thông liên tục qua các điểm kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 để vào thành phố.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, Chỉ thị 10 của UBND thành phố quy định, các phương tiện ngoại tỉnh không được vào địa bàn.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, địa phương đã lập ra những bãi trung chuyển ở các cửa ngõ để các xe tập kết hàng. Tuy nhiên, các xe có mã luồng xanh vẫn được ưu tiên.
Bà Trần Thị Xuân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ cho biết, đối với những phương tiện có mã QR Code “luồng xanh” thì lực lượng chức năng vẫn ưu tiên cho vào thành phố khi qua các trạm, chốt.
Tuy nhiên, thành phố cũng áp dụng quy định là tài xế và người đi cùng phải ngồi trên xe và phải có giấy xét nghiệm âm tính 72 giờ.
Đối với những phương tiện chưa được cấp mã QR Code mà vận chuyển hàng hóa, lương thực đi vào TP Cần Thơ thì việc tập kết tại các bãi trung chuyển là điều kiện để thành phố dễ dàng giám sát, theo dõi. Khi có sự cố xảy ra thì việc khoanh vùng, dập dịch sẽ dễ hơn.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, mã “luồng xanh” không thay thế cho việc không kiểm tra giấy tờ khác. Có mã “luồng xanh” thì bỏ đi một thủ tục, còn các giấy tờ khác vẫn phải kiểm tra.
Đối với các trường hợp xe có mã luồng xanh nhưng phải vào bãi trung chuyển hàng hoá là do đi không đúng tuyến đăng ký hoặc không có hợp đồng giao nhận hàng.
Nếu để các phương tiện này đi thẳng vào nội ô, sẽ rất khó để truy vết nếu có trường hợp dương tính với COVID-19.