|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Không may mắn như Việt Nam, chứng khoán Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc bị rút ròng hàng tỉ USD, kì vọng tạo đáy khi NĐT ngoại ngừng bán ra

17:40 | 13/03/2020
Chia sẻ
Theo thống kê, TTCK Việt Nam bị rút ròng 168 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với giá trị hàng tỉ USD tại các thị trường Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Vốn hóa HOSE bốc hơi 28 tỉ USD, khối ngoại rút ròng 168 triệu USD tính dến 12/3

Những tháng đầu năm 2020 được xem như là "nỗi kinh hoàng" của những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngay cả những nhà đầu tư đã từng trải qua những đợt bán tháo trong các sự kiện như biển Đông, Brexit, bắt "bầu" Kiên hay gần đây nhất sự kiện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc kích hoạt vẫn cảm thấy sốc với chuỗi phiên giảm hàng chục điểm liên tiếp.

Đóng cửa phiên giao dịch 12/3, VN-Index ở 769,25 điểm, giảm 191,74 điểm so với thời điểm cuối năm 2019. Vốn hóa sàn HOSE cũng bốc hơi 647.987 tỉ đồng (tương đương gần 28 tỉ USD) so với thời điểm đầu năm.

Bối cảnh thị trường lao dốc, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút ròng trên TTCK Việt Nam sau khi giải ngân trong tháng đầu tiên. Theo thống kê, tính đến ngày 12/3, NĐT nước ngoài rút ròng tổng cộng 3.907 tỉ đồng (gần 168 triệu USD).

Không may mắn như Việt Nam, chứng khoán Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc bị rút ròng hàng tỉ USD, kì vọng tạo đáy khi NĐT ngoại ngừng bán ra - Ảnh 1.

Cụ thể trên HOSE, khối ngoại bán ròng tổng cộng 3.038 tỉ đồng với tổng khối lượng 196,36 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung vào cổ phiếu với giá trị 3.200 tỉ đồng, khối lượng cổ phiếu bán ra là hơn 183 triệu đơn vị. Tại chứng chỉ quĩ ETF nội, NĐT nước ngoài mua ròng 58,6 tỉ đồng, khối lượng mua ròng hơn 2,6 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, khối ngoại đã mua ròng mạnh trên HOSE trong tháng đầu tiên của năm nay với giá trị 1.968 tỉ đồng. Tuy nhiên đà rút ròng diễn ra mạnh mẽ trên sàn này khi dịch COVID-19 lan rộng. Chỉ trong 9 phiên đầu tháng 3, NĐT nước ngoài rút ròng 2.276 tỉ đồng trên HOSE, gần bằng giá trị trong cả tháng 2.

Tại sàn HNX, NĐT rút ròng trong hai tháng đầu năm với giá trị lần lượt 35 tỉ đồng và 242 tỉ đồng. Lực bán ròng diễn ra mạnh mẽ trong nửa đầu tháng 3. Từ ngày 3 – 12/3, khối ngoại rút ròng 611 tỉ đồng trên sàn này.

Tích cực hơn HOSE và HNX, nhà đầu tư nước ngoài chỉ bán ròng nhẹ 76 tỉ đồng trên thị trường UPCoM. Trong tháng đầu tiên của năm, NĐT nước ngoài đã mua ròng nhẹ 46 tỉ đồng.

Không chịu tác động rút ròng như trên hai sàn HOSE và HNX, từ ngày 3 – 12/3, khối ngoại gom vào 49 tỉ đồng trên UPCoM.

Rút ròng không phải xu hướng riêng, Việt Nam vẫn đang hấp dẫn hơn Thái Lan, Malaysia

Mặc dù TTCK Việt Nam chứng kiến đà bán ròng mạnh của khối ngoại, nhưng phải nói rằng diễn biến này không nằm ngoài xu hướng trên toàn cầu.

Không may mắn như Việt Nam, chứng khoán Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc bị rút ròng hàng tỉ USD, kì vọng tạo đáy khi NĐT ngoại ngừng bán ra - Ảnh 2.

Dẫn nguồn dữ liệu từ Bloomberg, tính đến ngày 12/3, Việt Nam vẫn là thị trường bị rút ròng thấp trong khu vực châu Á. Theo đó, NĐT nước ngoài rút ròng 466 triệu USD và 512 triệu USD khỏi thị trường chứng khoán Philippines và Indonesia.

Thị trường chứng khoán Malaysia và Thái Lan ghi nhận giá trị bán ròng tỉ USD của khối ngoại, lần lượt đạt 1,123 tỉ USD và 2,245 tỉ USD.

Đà bán tháo của khối ngoại còn diễn ra mạnh mẽ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Khối ngoại đã rút ròng hơn 31 tỉ USD khỏi các ba thị trường này. Chỉ tính riêng TTCK Đài Loan, khối ngoại đã xả 11,3 tỉ USD. Trong nhóm các thị trường tài chính phát triển, khối ngoại cũng rút ra gần 3,5 tỉ USD trên TTCK Mỹ kể từ đầu năm đến nay.

Đánh giá về động thái bán ròng của khối ngoại, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết NĐT nước ngoài chỉ bán ròng tỉ lệ không đáng kể, khoảng 0,037% giá trị danh mục đầu tư.

Thị trường sẽ tạo đáy khi khối ngoại dừng bán ròng

Trở lại câu chuyện bán ròng của khối ngoại, không ít nhà đầu tư sẽ cảm thấy bi quan khi chứng kiến chuỗi hàng chục phiên xả liên tiếp. Công bằng để nói rằng, lo ngại trên là có cơ sở.

Trong lịch sử, nửa cuối năm 2014, khối ngoại bán ròng mạnh trên TTCK Việt Nam và các thị trường mới nổi khác khi FED dừng gói kích cầu QE3 và giá dầu lao dốc mạnh. Khi đó, VN-Index giảm sâu và tạo đáy vào thời điểm cuối năm 2014 khi khối ngoại ngừng bán ròng.

Trong lần sau đó vào quí IV/2015 và 2 tháng đầu năm 2016, NĐT cũng "xả hàng" trên TTCK Việt Nam khi Trung Quốc có động thái phá giá đồng nhân dân tệ. Khác với lần trước đó, nhờ dòng tiền mạnh trên thị trường, VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ trong thời gian ngắn.

Cuối quí I/2018, dòng vốn ngoại rút ra mạnh tại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam do những lo ngại về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, FED tăng lãi suất. Một điểm đáng chú ý là TTCK Việt Nam tạo đỉnh sau khi có quí tăng mạnh nhất thế giới đầu năm 2018. Trong giai đoạn này, VN-Index giảm mạnh trong quí II.

Từ những đợt bán ròng mạnh của khối ngoại cho thấy rằng việc tạo đáy và phục hồi của VN-Index diễn ra khi xu hướng bán ròng của NĐT nước ngoài kết thúc. Theo đó, giai đoạn hiện tại, động thái dừng bán ròng của khối ngoại là yếu tố rất quan trọng để thị trường có thể tạo đáy.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ phận phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam, dòng vốn khó có thể đảo ngược trong tương lai gần nếu không xuất hiện các thông tin hỗ trợ cụ thể (dịch bênh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu cho thấy khả năng hồi phục rõ rệt.

Bên cạnh đó, các động lực thu hút vốn ngoại trong nước, câu chuyện thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ khó có thể được đẩy mạnh thời điểm này.

Lợi Hoàng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.