|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

UBCKNN: Khối ngoại rút ròng 0,037% giá trị danh mục, xem xét kiến nghị về margin để giảm áp lực cho nhà đầu tư

13:54 | 05/03/2020
Chia sẻ
Chiều qua (4/3), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có cuộc họp trực tuyến với đại diện lãnh đạo khoảng 40 công ty chứng khoán, 20 công ty quản lý quĩ, cùng hai Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
UBCKNN: Khối ngoại rút ròng 0,037% giá trị danh mục, xem xét kiến nghị về margin để giảm áp lực cho nhà đầu tư - Ảnh 1.

Cuộc họp của UBCKNN với các CTCK: Ảnh: D. T.

Khối ngoại rút ròng khoảng 0,037% giá trị danh mục

Tại sự kiện, theo đánh giá của UBCKNN, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát khiến nền kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đã chịu ảnh hưởng rất tiêu cực.

Trên TTCK Việt Nam, giai đoạn sau Tết Nguyên đán, TTCK giảm điểm sâu. Sau đó, thị trường có một số phiên phục hồi khá tích cực. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi trên thế giới, TTCK Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm điểm. Đây cũng là giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài có nhiều phiên bán ròng trên thị trường, đồng thời có dấu hiệu rút ròng của vốn ngoại.

Tuy nhiên, các dòng vốn nước ngoài rút khỏi các TTCK là hiện tượng chung ở nhiều thị trường trên thế giới.

Theo thông tin từ bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 25/2/2020, dòng vốn gián tiếp nước ngoài trên TTCK Việt Nam ra ròng ở mức tương đương với 0,037% giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

"Do đó có thể thấy nước ngoài rút vốn không đáng kể ra khỏi thị trường", bà Bình dánh giá.

Giữa tâm bão của thị trường, các CTCK nói gì?

Tại cuộc họp lần này, cùng với cơ quan quản lý nhà nước, nhiều đại diện các công ty chứng khoán, công ty quản lý quĩ đều cho rằng, tác động của dịch bệnh Covid-19 lên nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng là không hề nhỏ, tuy nhiên, không quá bi quan.

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Bùi Thế Tân, Giám đốc Khối dịch vụ Chứng khoán khách hàng cá nhân Chứng khoán SSI cho rằng dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng, nhưng không quá lo ngại và cũng không được chủ quan.

 "Chúng ta cần có giải pháp phòng ngừa. Fed cũng đã giảm lãi suất và nhiều nước khác cũng đã giảm, vì vậy Việt Nam cũng cần có động thái. Riêng ở SSI, chúng tôi đã có nhiều chính sách để hỗ trợ khách hàng như: giảm lãi suất cho vay kí quĩ (margin), phát triển thêm sản phẩm mới, chủ động cập nhật thông tin", ông Bùi Thế Tân phát biểu.

Ông Tân cũng đề xuất, cơ quan quản lý cần có thêm giải pháp để gia tăng thanh khoản cho thị trường như việc sớm nghiên cứu áp dụng cơ chế giao dịch trong ngày. Trước mắt, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu để áp dụng margin cho một số cổ phiếu tốt, đủ tiêu chuẩn trên UPCoM để tăng thanh khoản và thu hút thêm dòng tiền của nhà đầu tư vào thị trường.

Theo ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Chứng khoán MB (MBS), ở một góc độ nào đó, Covid-19 tạo ra cơ hội cho thị trường và các công ty tái cơ cấu, làm mới mình; đồng thời cũng là cơ hội để thị trường thanh lọc.

Ông Hà cho rằng, nhà đầu tư và các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ cho thị trường cần bình tĩnh trước đại dịch, bởi dịch bệnh rồi cũng sẽ được kiểm soát, trong khi thị trường Việt Nam có nền tảng vĩ mô rất tốt.

Bên cạnh một số vấn đề liên quan tới phí, ông Hà đề xuất cần gia hạn thêm thời gian hợp đồng margin để tạo điều kiện giảm áp lực cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường giảm và biến động lớn.

Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Bản Việt cũng cho hay nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng nhưng lo ngại không quá lớn. Việt Nam vẫn hấp dẫn dòng vốn nước ngoài, nhưng dòng tiền ngoại thường sẽ tìm đến các thị trường có lợi nhuận tốt nhất. Do vậy, cơ quan quản lý cần có chính sách và quy trình rõ ràng hơn để nhà đầu tư ngoại dễ dàng đầu tư hơn vào các mã đang hết room trên thị trường.

Tổng Giám đốc Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) – ông Vũ Đức Tiến cũng cho rằng: "Chúng tôi không quá bi quan vì dịch Covid-19, nhưng cũng không hề chủ quan. Fed và nhiều nước đã có động thái hỗ trợ nền kinh tế và Việt Nam có thể cũng có giải pháp.

Do vậy, cần có giải pháp để dòng vốn hỗ trợ đến được với doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường. Thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn vì chúng ta được đánh giá là quốc gia khá an toàn trong đại dịch; đồng thời, Việt Nam cũng đang có nền kinh tế vĩ mô khá tốt; hay nói cách khác là trong thách thức có cơ hội".

Ghi nhận ý kiến của các CTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết: "Có những kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBCK thì chúng tôi sẽ xem xét và xin ý kiến Bộ để xử lý ngay để cùng thị trường vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay".

Theo đó, đối với đề xuất kéo dài thời gian hiệu lực của hợp đồng margin, lãnh đạo UBCKNN cho biết sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổng hợp và xem lại, nếu phù hợp sẽ tạo điều kiện để nới thời gian hợp đồng, tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán và giảm áp lực cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, lãnh đạo UBCKNN cũng đã đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sớm có báo cáo về việc áp dụng margin cho một số mã chứng khoán đủ tiêu chuẩn trên sàn UPCoM, trong đó cần có luôn danh sách cụ thể.

"Nếu các cổ phiếu này đảm bảo được tiêu chuẩn như sàn niêm yết, chúng tôi sẽ báo cáo, xin ý kiến Bộ Tài chính và nếu được đồng thuận sẽ cho phép triển khai để thị trường có cơ hội gia tăng thanh khoản", lãnh đạo UBCKNN phát biểu.

Lợi Hoàng

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.