Không lo khan hàng, tăng giá dịp Tết Mậu Tuất
Hà Nội tính mở rộng điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết | |
Dự báo nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2018 |
Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2018 là 93.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò, 200 triệu quả trứng gia cầm… Tổng giá trị hàng hóa khoảng 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017.
Các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát… dự kiến cung cấp cho thị trường lượng hàng hóa có giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giò chả, miến, nông sản chế biến… sẽ đưa ra lượng hàng trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng.
Các giỏ quà Tết đã được chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân. |
Tại thành phố Hồ Chí Minh, lượng hàng các doanh nghiệp cung ứng cho thời điểm trước, trong và sau Tết là hơn 17.800 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường là hơn 7.000 tỷ đồng. So với năm 2017, lượng hàng hóa chuẩn bị năm nay tăng khoảng 20% - 30%.
Các doanh nghiệp cam kết giữ ổn định giá, không tăng giá hàng hóa trong dịp Tết, nhất là với nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo, dầu ăn… Ngoài ra, sẽ có chương trình giảm giá sâu để hỗ trợ người dân trong hai ngày 29 và 30 Tết.
Để chuẩn bị cho dịp Tết năm nay, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối trong việc chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất với tổng giá trị gần 830 tỷ đồng.
Hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán năm nay khá dồi dào. |
Với lượng hàng trên, Ban Chỉ đạo điều hành giá nhận định, nguồn cung hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán năm nay khá dồi dào, phong phú, giá cả hợp lý. Các siêu thị và trung tâm mua sắm đã lên kế hoạch thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chuẩn bị phục vụ Tết Mậu Tuất từ rất sớm, với lượng hàng dự trữ tăng khoảng 5% so với Tết 2017, ưu tiên khai thác các nguồn hàng có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam chất lượng cao. Đặc biệt, Hapro triển khai chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Mậu Tuất, tổ chức bán hàng phục vụ người dân tại 20 điểm bán hàng bình ổn giá. Công ty này cam kết đảm bảo dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu, ổn định giá bán các mặt hàng phục vụ Tết.
Tại hệ thống siêu thị Mường Thanh, lượng hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất 2018 tăng 20% so với năm 2017. Nhằm tránh tình trạng khan hàng, tăng giá trước, trong và sau Tết, hệ thống đã ký cam kết với nhà cung cấp, đảm bảo giữ giá ổn định tất cả các mặt hàng.
Bà Trần Thu Trang, Giám đốc Siêu thị Mường Thanh-Linh Đàm cho biết, để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, hệ thống siêu thị Mường Thanh trên cả nước sẽ triển khai chương trình giảm giá từ 5%-49% các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời cung cấp nhiều loại giỏ quà Tết theo yêu cầu của khách hàng với giá cả phù hợp, miễn phí vận chuyển trong bán kính 8 km.
Hệ thống siêu thị Mường Thanh sẵn sàng nguồn hàng phục vụ Tết. |
Đại diện các cơ quan chức năng của 3 thành phố lớn cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá; tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng vào các chợ đầu mối, các chợ truyền thống, các điểm bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã chỉ đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phải chủ động triển khai các biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường. Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá; Có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm, nhất là dịp trước và sau Tết./.