|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Không còn sóng ngành, 2022 sẽ là năm của các cổ phiếu riêng lẻ

06:00 | 17/03/2022
Chia sẻ
Theo ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS, những năm mà thị trường tăng trưởng tốt, bùng nổ thanh khoản lớn thì sẽ luôn xuất hiện những nhóm dẫn dắt như chứng khoán, ngân hàng, hay bất động sản còn giai đoạn hiện nay khó khăn hơn, lạm phát cao hơn thì chiến lược đầu tư sẽ cần phải thay đổi.
Không còn sóng ngành, 2022 sẽ là năm của các cổ phiếu riêng lẻ - Ảnh 1.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS. (Ảnh chụp màn hình).

Phát biểu tại Toạ đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022", ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS, nếu như đầu tư 2021 là một năm khá dễ dàng đối với nhà đầu tư cá nhân cũng như nhà đầu tư tổ chức thì năm 2022 có lẽ sẽ khó khăn hơn, nhiều thách thức hơn.

Điều này có thể hiểu được bởi thị trường chứng khoán thường sẽ tăng chậm lại sau một quá trình tăng mạnh. Trong hai tháng đầu năm 2022, trái ngược với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế vĩ mô, sự điều chỉnh của thị trường đã diễn ra.

Theo ông Khánh, thế giới đang hoàn toàn sống chung với dịch bệnh trong bối cảnh tốc độ lây lan của dịch bệnh vẫn gia tăng nhanh chóng tại châu Âu và châu Mỹ, đồng thời không có bằng chứng về việc biến chủng Omicron có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người hơn so với biến chủng Delta. Điều này hỗ trợ các nền kinh tế hoạt động bình thường trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.

Về triển vọng kinh tế thế giới, Ngân hàng Goldman Sachs, WB, IMF đều có báo cáo điều chỉnh hạ tăng trưởng GDP các khu vực châu Âu, Mỹ, Nhật, tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo chỉ ở mức 4,2 - 4,4%.

Năm 2022 có thể là đỉnh điểm siêu chu kỳ hàng hóa. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine cũng khiến cho giá các loại hàng hóa trở nên đắt đỏ như đồng, bạc, nikkei, chỉ số giá dầu tiêu chuẩn Brent, WTI, vàng,... trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán ở các thị trường phát triển đều giảm. Mối quan hệ liên thị trường là yếu tố đáng ngại sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại về việc lạm phát sẽ bắt đầu ảnh hưởng từ quý II, quý III tới đây. Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân, tổ chức ngay cả các quỹ đầu tư cũng đang rất quan tâm tới động thái của Fed.

Dự báo mới nhất của CME Group cho thấy Fed có thể có 5 lần tăng lãi suất cơ sở trong năm 2022, trong đó có 1 lần tăng 50 điểm cơ bản (tương ứng với 6 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản). Như vậy, lãi suất trong năm 2022 sẽ nhảy vọt từ 0% - 0,25% lên thành 1,5% - 1,75%. Lần tăng sớm nhất được dự báo là tháng 3, với mức tăng 25 điểm cơ bản.

"Có thể thấy không có sự điều chỉnh lãi suất quá lớn, mà nhỏ giọt mỗi lần 0,25%, nhưng việc tăng lãi suất liên tục đều đặn từ 5-7 lần trong năm nay thì cách thức điều hành của các ngân hàng trung ương sẽ phải thay đổi", ông Khánh cho biết.

Về các tác động tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể thấy chỉ tiêu PMI ổn định, tăng trưởng nhẹ trong lĩnh vực chế biến chế tạo – xuất khẩu, FDI tăng khá, nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển thuận lợi.

Năm 2022, câu chuyện đầu tư công sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

TTCK năm 2022 sẽ tập trung vào các cổ phiếu riêng lẻ

Năm 2021 là một năm chứng kiến xu thế uptrend rất lớn, hồi phục kéo dài từ tháng 4/2020 cho đến đầu năm 2022. VN-Index đã leo lên vùng đỉnh cao của lịch sử, quanh 1.520 - 1.525, tương ứng với vùng Fibonacci rất mạnh.

Thường vùng cản mạnh về chỉ báo kỹ thuật sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh lâu và kéo dài, thực tế cũng cho thấy diễn biến điều chỉnh đã kéo dài từ giữa tháng 1 đến thời điểm hiện tại.

Theo quan điểm của ông Lưu Đức Khánh, VN-Index đang ở pha điều chỉnh lớn , kéo dài 2 - 3 tháng, và có thể kéo dài 6 tháng. Quan sát cho thấy, áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha và trong ngắn hạn, VN-Index đối mặt kháng cự 1.400 - 1.410 điểm, tương đương khu vực MA200.

Về triển vọng thị trường, xu hướng tăng điểm có thể quay lại từ quý II và VN-Index vẫn còn cơ hội quay trở lại điểm cao 1.600 - 1.655 điểm trong năm 2022.

Không còn sóng ngành, 2022 sẽ là năm của các cổ phiếu riêng lẻ - Ảnh 2.

Diễn biến VN-Index từ tháng 2/2021 đến nay. (Ảnh chụp màn hình).

Theo chia sẻ của chuyên gia, các nhà đầu tư không nên quá bi quan về thị trường hiện tại vì thị trường luôn xuất hiện những cơ hội đầu tư bất chấp các giai đoạn lên xuống, quan trọng nhất là mua cổ phiếu gì, thời điểm nào và quản lý danh mục đầu tư hiệu quả.

Trong bối cảnh lạm phát, dòng tiền đôi khi vẫn trú ẩn ở thị trường chứng khoán. Câu chuyện đầu tư năm 2022 sẽ không còn xoay quanh các nhóm ngành mà sẽ tập trung ở các cổ phiếu riêng lẻ.

Những năm mà thị trường tăng trưởng tốt, bùng nổ thanh khoản lớn thì sẽ luôn xuất hiện những nhóm dẫn dắt như chứng khoán, ngân hàng, hay như bất động sản - một nhóm rất nhạy với chu kỳ kinh tế.

Còn giai đoạn hiện nay khó khăn hơn, lạm phát cao hơn thì chiến lược đầu tư sẽ cần phải thay đổi và chắc chắn những cổ phiếu có thể thuộc diện đứng đầu, có lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, cảng biển, bảo hiểm, dầu khí, thủy sản, phân bón hóa chất và thép, cao su tự nhiên sẽ là những cơ hội đầu tư tiềm năng.

Thu Thảo