Chiến lược giao dịch 'tăng động' bỏ một phần tiền vào chứng quyền, phái sinh để chiến thắng 'thị trường Kangaroo'
Không dễ dàng gì cho cộng đồng đầu tư những tháng vừa qua bởi mức độ biến động của thị trường: Giật lên rồi lại giật xuống liên tục trong biên độ hẹp 1.430 - 1.530 điểm. Sự "cà giật" này khiến nhà đầu tư rất khó để chọn chiến lược họ mong muốn. Chỉ riêng việc phòng ngừa rủi ro đã dường như là bất khả, thì tăng lợi nhuận là một nhiệm vụ có lẽ ai cũng phải ngại ngần vào thời điểm này.
Thị trường giai đoạn này gọi là "thị trường Kangaroo", thuật ngữ xuất phát từ chính phố Wall - thị trường chứng khoán Mỹ để chỉ giai đoạn mà thị trường chứng khoán liên tục giằng co trong một biên độ hẹp giống như những bước nhảy của Kangaroo.
Trong chương trình Bí mật đồng tiền phát sóng trưa ngày 16/3, ông Tô Xuân Nam - Chuyên gia quỹ cổ phiếu, Công Ty Quản Lý Quỹ SSI (SSIAM) nhận định sự giằng co trong những phiên giao dịch gần đây bị ảnh hưởng bởi từ yếu tố vĩ mô trên thế giới như chiến tranh Nga – Ukraine, Fed tăng lãi suất cho đến những thông tin trong nước khi nền kinh tế đang quá trình hồi phục. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, những biến động chính là cơ hội cho NĐT tích luỹ và mua vào.
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) chia sẻ: "Thị trường Kangaroo nằm giữa thị trường bò và gấu với đặc điểm nổi bật là phản ứng mạnh với một thông tin, dù chỉ là thông tin nhỏ hay đồn đoán.
Chuyên gia SSI nhận định nguyên nhân của "cơn lốc" bán tháo trong những phiên gần đây không đến từ thông tin chiến sự giữa Nga - Ukraine mà do NĐT đang lo lắng thái quá về những tin đồn không có thật như phong toả Thượng Hải, Trung Quốc hay đóng cửa cảng Thẩm Quyến do số ca nhiễm tăng mạnh.
Cân nhắc chứng quyền, phái sinh với đòn bẩy cao gấp 5 - 10 lần
"Thị trường Kangaroo" khó giao dịch nhưng không phải không có cách để giao dịch thành công. Trên quan điểm của một NĐT chuyên nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư trên thị trường phố Wall, ông Tô Xuân Nam cho rằng NĐT cần thể hiện sự kỷ luật của mình bằng cách trung bình hoá chi phí vốn, giải ngân định kỳ trước các nhịp giằng co.
"NĐT không đủ nhạy cảm với thị trường nên rất khó chọn được được thời điểm mua/bán tốt. Những biến động hằng ngày như "random walk on Wall Street" (tạm dịch là bước đi ngẫu nhiên trên phố Wall), do đó khó có ai có thể đoán được xu hương thị trường. Chỉ có một điều chắc chắn là trong dài hạn 5 - 10 năm, thị trường sẽ đi lên.
Phó Giám đốc SSI cũng cùng quan điểm, ông cho rằng để thắng trong thị trường biến động, việc cố gắng timing (dự báo khung thời gian - PV) và lướt sóng rất khó.
Nhiều khi NĐT cần "tăng động", bỏ một phần tiền nhỏ vào các thị trường phái sinh, chứng quyền để có thể giao dịch trong ngày hoặc tự lướt cổ phiếu trong danh mục của mình. Tuy nhiên, NĐT cần cẩn thận vì rất dễ rơi vào tình trạng "cưa chân bàn".
Những sản phẩm rủi ro cao như chứng quyền, phái sinh hiện vẫn chưa phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, thậm chí có người còn coi là "cờ bạc". Theo ông Hưng, thị trường tài chính Việt Nam không đa dạng các sản phẩm. Mọi người thường đầu tư các sản phẩm đơn giản và e dè với những sản phẩm phức tạp.
"Mỗi sản phẩm được sử dụng tuỳ từng thị trường và tâm lý. Trong đó, phái sinh, chứng quyền lại phù hợp với "thị trường Kangaroo" và những người thiếu kiên nhẫn bởi họ có thể thay đổi nhanh chóng vị thế Long/Short".
Chứng quyền có thể đem lại tỷ lệ sinh lời rất cao chỉ trong một phiên bởi biến động về giá theo cấp số nhân, đòn bẩy tài chính cao gấp 5 - 10 lần chứng khoán cơ sở như cổ phiếu trong khi số vốn bỏ ra rất thấp.
Tuy nhiên, ông Tô Xuân Nam cũng cảnh báo khi đầu tư vào những loại sản phẩm này, NĐT nên cân nhắc mức độ rủi ro và tỷ lệ mất vốn. Chứng quyền và phái sinh chỉ phù hợp những NĐT trẻ, vốn thấp và có khẩu vị rủi ro cao.