|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc Yuanta Việt Nam: Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 vẫn tiếp tục tăng trưởng

07:31 | 16/03/2022
Chia sẻ
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam đưa ra một vài luận điểm cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022, là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp trong nước.

Phát biểu tại Toạ đàm nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, đã đưa ra những quan điểm về thị trường chứng khoán năm 2022.

Còn nhiều dư địa cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022

Trước những yếu tố liên quan đến vấn đề vĩ mô và tất cả các yếu tố về địa chính trị hoặc những rủi ro bất định, câu chuyện về thị trường chứng khoán luôn xoay quanh vấn đề cơ bản của thị trường.

Theo thống kê từ Bloomberg được ông Minh đưa ra, mức tăng trưởng EPS trung bình của các doanh nghiệp được niêm yết tại Việt Nam sẽ đạt xấp xỉ 25% trong năm 2022 và tăng trưởng 21% trong năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy tăng trưởng của các doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định trong chu kỳ năm 2022 và 2023.

Dự báo của Yuanta Việt Nam thận trọng hơn khi dự báo tăng trưởng EPS trung bình là 21% trong năm 2022 và tăng trưởng 20% trong năm 2023. Dưới góc độ định giá mức dự phóng PEG, mức PEG hiện nay của thị trường Việt Nam đang giao dịch ở mức 0,7 lần, cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 và 2023 là vẫn còn.

Thanh khoản của thị trường và tâm lý nhà đầu tư

Theo các dự báo, lãi suất trong năm 2022 sẽ tăng trở lại tuy nhiên vẫn còn thấp so với lịch sử. Theo đó, tính thanh khoản của thị trường vẫn được duy trì ở mức cao. So với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2021 đạt khoảng 2 tỷ đô chỉ đứng sau Thái Lan với 4 tỷ đô.

Tuy nhiên với mục tiêu về vốn hóa vẫn còn thấp so với Indonesia và Thái Lan khi vốn hóa chỉ bằng 1/6 so với thị trường Thái Lan.

Tính đến cuối năm 2020, số lượng tài khoản chứng khoán của Việt Nam đạt xấp xỉ khoảng 4,1% trên tổng số lượng dân số của Việt Nam. Đây là mức tỷ lệ nằm trong giai đoạn 1988 của thị trường chứng khoán Đài Loan thấp hơn rất nhiều so với năm 2020 khi thị trường Đài Loan ghi nhận tỷ lệ tài khoản chứng khoán trên tổng dân số đạt 87%. 

Xét từ năm 1988 đến giai đoạn khủng hoảng của thị trường chứng khoán Đài Loan năm 1990, thị trường Việt Nam đi chưa được nửa chặng đường trong giai đoạn này. Theo đó, dư địa của thị trường chứng khoán Việt Nam là vẫn còn rất nhiều.

Sếp lớn Yuanta Việt Nam: Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 vẫn tiếp tục tăng trưởng - Ảnh 1.

Biểu đồ tỷ lệ số lượng tài khoản của thị trường chứng khoán Đài Loan trên tổng dân số từ năm 1985 đến năm 2019 được ông Nguyễn Thế Minh đưa ra (Ảnh chụp màn hình).

Với các bối cảnh tương đồng với các thị trường khác điển hình là thị trường Đài Loan, các yếu tố như lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, sự kỳ vọng đồng tiền nội gia tăng, thặng dư tài khoản vãng lai tăng trưởng cao, đặc biệt nhóm dân số trẻ ngày càng hứng thú đối với thị trường chứng khoán cùng với Việt Nam còn ít kênh đầu tư so với các thị trường khác như Thái Lan. Với tất cả những yếu tố trên sẽ khiến mức thanh khoản trên thị trường sẽ tăng đột biến trong các giai đoạn tới.

Chuyên gia từ Yuanta Việt Nam nhận định trong năm 2022 với những tính chất và biến động hiện tại của thị trường khá tương đồng với chu kỳ năm 2018 và 2019. Ảnh hưởng từ các đợt tăng lãi suất của FED trong năm 2019 hoặc có những biến động về mặt địa chính trị tác động rất ngắn hạn nhưng sẽ gây ra biến động mạnh trên thị trường. 

Theo đó, thị trường sẽ tiếp tục đi lên tuy nhiên cơ hội sẽ không còn dồi dào như hai năm 2021 và 2020. Việc lựa chọn cổ phiếu của các nhà đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn.

Yuanta đưa ra 2 tiêu chí giúp các nhà đầu tư xác định các cổ phiếu tiềm năng trong năm nay, đó là định giá rẻ và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 trong bối cảnh lãi suất và lạm phát đồng thời tăng trở lại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 8.800 tỷ đồng, chiếm 74% giá trị bán ròng cùng kỳ trong năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu phụ thuộc vào các biến động lớn của thị trường. 

Xét về giá trị bán ròng giảm của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên các tác động gần đây của các yếu tố địa chính trị và đặc biệt chiến lược tăng lãi suất của FED vẫn chưa rõ ràng tạo nên tâm thế rất thận trọng trong các quỹ đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam.

Một điểm sáng tích cực khác, các nhà đầu tư nước ngoài đang dần tìm kiếm cơ hội đầu tư trở lại tại thị trường Việt Nam đầu năm 2022. Tuy nhiên với những bối cảnh biến động mạnh và các rủi ro khó lường, các nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn chưa sẵn sàng hành động ngay trong việc mua vào.  

Dù vậy, vị chuyên gia vẫn lạc quan với bối cảnh Việt Nam đang mở cửa lại nền kinh tế, do đó trong thời gian tới sẽ là cơ hội cho các quỹ tiiếp cận đầu tư vào thị trường Việt Nam và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.

Đ.Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.