Không chịu “lên sàn”: vi phạm có hệ thống
Theo đó, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập danh sách các doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, người đại diện phần vốn nhà nước phải phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1-11-2016.
Văn bản trên được đưa ra trong bối cảnh hiện vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn đã hoàn thành cổ phần hóa trên một năm nhưng chưa tiến hành niêm yết hoặc giao dịch trên UpCom như Sabeco, Habeco, Cienco 1, Cienco 4, Vinatex, Vietnam Airlines, Seaprodex, Tổng công ty Phong Phú...
Cần lưu ý rằng, trước đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg (về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN). Mục 3 của quyết định này quy định rõ, kể cả với doanh nghiệp đã chính thức trở thành công ty cổ phần trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành (1-11-2014), đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.
Như vậy, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa đã không thực hiện niêm yết theo Quyết định 51 dù quyết định này đã có hiệu lực gần hai năm. Hơn nữa, sự vi phạm quy định về việc phải niêm yết không chỉ diễn ra ở cấp doanh nghiệp và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà còn cả ở cấp đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, tức các bộ quản lý ngành, gồm cả Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp và UBND các tỉnh, thành.
Cụ thể, các bộ, ban và UBND đã không theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai niêm yết nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời hạn một năm kể từ ngày Quyết định 51 có hiệu lực.
Rất tiếc là trong Quyết định 51, tuy có quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ban và UBND nhưng lại thiếu điều khoản xử lý khi các cơ quan hữu trách này không thực hiện đúng, nghiêm các quy định về thoái vốn và niêm yết của doanh nghiệp cổ phần hóa trong cùng quyết định. Vì vậy, cũng dễ hiểu việc các cơ quan hữu trách không có động lực phải thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm của mình, dẫn đến nhiều DNNN sau cổ phần hóa đến cả chục năm vẫn không bận tâm chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sự “phớt lờ” Quyết định 51 một cách có hệ thống như vậy có thể là bối cảnh cho việc Phó thủ tướng ban hành Văn bản 1768 nhắc nhở nói trên. Tuy nhiên, văn bản này cũng chỉ đúng nghĩa là nhắc nhở, và điều ràng buộc trách nhiệm duy nhất dường như chỉ là yêu cầu các cơ quan hữu trách và doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trước ngày 1-11-2016.
Dễ hình dung kết quả của việc báo cáo sẽ là có một số doanh nghiệp tiếp tục trì hoãn việc niêm yết trên thị trường chứng khoán với những lý do rất khách quan, hợp lý như trước đây và rồi mọi chuyện lại sẽ như cũ.
Để tránh tình trạng đáng thất vọng hầu như biết trước như vậy, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cần xem xét sửa đổi Quyết định 51 hoặc ban hành một văn bản pháp luật khác quy định rõ việc xử phạt người đứng đầu các cơ quan hữu trách không hoàn thành trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trong một thời gian nhất định, giả sử là đến hết tháng 3-2017.
Tất nhiên, sẽ lại có những lời biện hộ, bào chữa cho việc chậm trễ niêm yết lên sàn như thời gian gấp gáp, không kịp chuẩn bị kỹ lưỡng... Nhưng thực tế cho thấy nếu không “ép”, không bị đặt dưới áp lực thì các cơ quan hữu trách và doanh nghiệp sẽ không bao giờ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Phan Minh Châu