|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Loạt tân binh chào sàn chứng khoán đầu năm

19:15 | 01/01/2024
Chia sẻ
Một công ty sẽ niêm yết HOSE và 5 công ty khác chào sàn UPCOM trong những ngày đầu năm mới, bên cạnh một số đơn vị khác đã được chấp thuận giao dịch chứng khoán.

Hoạt động niêm yết và giao dịch mới đang ấm dần trên thị trường chứng khoán. Nhiều cái tên mới như BCG Land, Nova Consumer, Bia Sài Gòn Bình Tây, Xây dựng Bình Phước đã lên sàn cuối năm ngoái và đầu năm nay lại xuất hiện nhiều đơn vị mới. 

Vào ngày 12/1, Công ty Thủy điện Hủa Na sẽ là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết mới trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) trong năm 2024. Công ty thủy điện này thuộc diện chuyển giao dịch từ sàn UPCoM sang HoSE. 

Khối lượng đăng ký niêm yết là hơn 235 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán HNA. Giá tham chiếu trong ngày chào sàn ở mức 18.350 đồng/cổ phiếu, tương đương mức định giá hơn 4.300 tỷ đồng. Giá cổ phiếu sẽ biến động 20% trong ngày giao dịch đầu tiên. 

Thủy điện Hủa Na được thành lập vào ngày 16/5/2007, hiện vận hành Nhà máy thủy điện Hủa Na (tỉnh Nghệ An) gồm 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 180 MW,  sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 712,7 triệu kWh.

Công ty trước đó đã đăng ký giao dịch cổ phiếu HNA trên sàn đại chúng UPCOM từ tháng 10/2017 và đến tháng 12/2023 được chấp thuận cho niêm yết toàn bộ cổ phiếu sang HOSE. Mã chứng khoán trong phiên giao dịch cuối năm ngoái đứng tại 18.500 đồng/cổ phiếu.  

Cơ cấu cổ đông đến nay bao gồm công ty mẹ Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) nắm giữ 80,72% vốn điều lệ, Ngân hàng TMCP Bắc Á sở hữu 4,91% cổ phần, MBBank có 4,46% vốn, Lilama là 3,71% vốn và phần còn lại 6,2% thuộc về các cổ đông khác.

Lãnh đạo công ty mới đây ước tính sẽ ghi nhận 755 tỷ đồng doanh thu và 217 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2023 (đều vượt xa kế hoạch năm 733 tỷ doanh thu và 153 tỷ lợi nhuận). Công ty có kế hoạch tìm kiếm các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ tại Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Nguyên, đồng thời nghiên cứu thực hiện dự án điện mặt trời. 

Công ty Ngày chào sàn Giá tham chiếu (đồng/cổ phiếu)

Số lượng (triệu cổ phiếu)

Thủy điện Hủa Na  HNA 12/1  18.350  235,2
Thiết bị điện Miền Bắc  NEM 5/1  10.200  8,85
Cấp nước Kon Tum  KTW 8/1  10.900  8,33
Đồng Tân D17 8/1  22.000  5,26
Nước sạch Thái Bình  TBW 9/1  15.200  9,85
Taseco Land  TAL 9/1  21.000 297

Tân binh chào sàn sớm nhất năm nay là Công ty Thiết bị điện Miền Bắc, với gần 8,85 triệu cổ phiếu mang mã chứng khoán NEM được giao dịch từ ngày 5/1.

Giá tham chiếu trong phiên ra mắt trên sàn chứng khoán là 10.200 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa dự kiến hơn 88 tỷ đồng. Cổ phiếu giao dịch lần đầu trên UPCOM sẽ có biên độ dao động giá lớn nhất đến 40%.  

Công ty có tiền thân là Công ty TNHH Liên doanh Sản xuất thiết bị điện Miền Bắc được thành lập năm 2004 và cổ phần hóa từ năm 2016. Hiện Tổng giám đốc Trần Thị Thu Thủy là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 36% cổ phần và 2 cá nhân Vũ Thị Thư, Nguyễn Thị Phương cũng đều có hơn 26% cổ phần.

Một cái tên đáng chú ý sắp lên sàn UPCOM là công ty Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) với mã chứng khoán TAL. Toàn bộ 297 triệu cổ phiếu TAL sẽ chính thức được giao dịch trên sàn từ ngày 9/1 với giá tham chiếu 21.000 đồng/cổ phiếu. 

Với con số trên, doanh nghiệp bất động sản đang được định giá hơn 6.200 tỷ đồng. Cổ phiếu được phép biến động 40% trong ngày đầu tiên, tức dao động trong khoảng 12.600 - 29.400 đồng/cổ phiếu. 

Taseco Land được thành lập năm 2006. Cơ cấu cổ đông tính đến 15/11 có công ty mẹ Tập đoàn Taseco nắm giữ đến 72,49% vốn. Những lãnh đạo khác của Taseco Land và người có liên quan sở hữu lượng cổ phần vài trăm nghìn đơn vị. 

Nhà phát triển bất động sản này hiện có 7 công ty con sở hữu trực tiếp và 5 công ty con sở hữu gián tiếp, với các dự án nổi tiếng như Landmark 55 và Khu văn phòng kết hợp trung tâm thương mại tại lô đất B3CC2 (Hà Nội). 

Cập nhật đến ngày 23/12, Taseco Land ước đạt doanh thu 3.350 tỷ đồng và lãi sau thuế 470 tỷ đồng, tương ứng khoảng 98% chỉ tiêu doanh thu và 94% chỉ tiêu lợi nhuận. 

Ba doanh nghiệp khác cũng sớm chào sàn UPCOM trong những ngày đầu năm là công ty Cấp nước Kon Tum (Mã: KTW), công ty Nước sạch Thái Bình (Mã: TBW) và công ty Đồng Tân (Mã: D17).

Trong đó, Cấp nước Kon Tum sẽ đưa toàn bộ 8,33 triệu cổ phiếu KTW lên sàn vào ngày 8/1 tới. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên tại mức 10.900 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa dự kiến hơn 90 tỷ đồng.

Công ty Đồng Tân cùng ngày này sẽ được phép giao dịch gần 5,26 triệu cổ phiếu D17 với giá tham chiếu 22.000 đồng/cổ phiếu (định giá khoảng 116 tỷ đồng). Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng dân dụng và công nghiệp...

Công ty Nước sạch Thái Bình sẽ có ngày ra mắt thị trường vào 9/1. Khối lượng đăng ký toàn bộ 9,85 triệu cổ phiếu TBW tại mức giá tham chiếu 15.200 đồng, tương đương với con số vốn hóa dự phóng gần 150 tỷ đồng.  

Nhiều đơn vị được chấp thuận lên sàn

Một số công ty khác cũng đang nộp hồ sơ niêm yết/đăng ký giao dịch lên HOSE/UPCOM và đã được cơ quản quản lý chấp thuận giao dịch.  

Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Thành Công (Mã: TCI) vừa được chấp thuận niêm yết mới với toàn bộ gần 101 triệu cổ phiếu, thuộc diện chuyển giao dịch từ UPCOM sang HOSE. Đây là công ty con của Sài Gòn 3 Group với tỷ lệ nắm giữ 54,79% vốn điều lệ.

HOSE cũng đã chấp thuận niêm yết cho Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post - Mã: VTP) với số lượng đăng ký gần 122 triệu cổ phiếu. Hiện mã chứng khoán này đang giao dịch tại UPCOM với giá 56.600 đồng/cổ phiếu. 

HOSE còn chấp thuận niêm yết cho hơn 1 tỷ cổ phiếu NAB của Ngân hàng Nam Á, cũng theo diện chuyển sàn giao dịch. Hiện mã chứng khoán này đang giao dịch tại UPCOM với giá 15.200 đồng/cổ phiếu.  

Công ty cổ phần Hợp nhất vừa được chấp thuận đăng ký giao dịch lần đầu trên sàn UPCOM với số lượng 117,9 triệu cổ phiếu. Công ty tư nhân này hoạt động trong mảng khai thác và thu gom than cứng, hiện chỉ có một cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Đặng Quốc Lịch với tỷ lệ sở hữu 29,8% vốn.

Huy Lê