Không chỉ vàng, giá nhiều hàng hóa từ đồng cho đến cacao cũng tăng nóng trong năm 2024
Giá vàng lên cao kỷ lục vào tuần trước, nhưng đối với nhà đầu tư thì các nguyên liệu thô khác cũng có sức hút khó cưỡng.
Chia sẻ với tờ Business Insider, ông Darrell Martin, CEO Apex Trader Funding, cho biết hoạt động giao dịch hàng hóa đã bùng nổ trong những tháng gần đây cùng với đà tăng nóng của mọi mặt hàng, từ kim loại công nghiệp cho đến dầu mỏ.
Ông giải thích: “Sự biến động của thị trường bắt nguồn từ các đợt tăng giá gần đây tạo ra rất nhiều cơ hội. Trong ngày thị trường chứng kiến rất nhiều biến động và đây là điều tốt cho nhà đầu tư, đem đến cho họ cơ hội nhảy vào và thu lợi nhuận".
Một loạt nguyên liệu thô tăng giá đã kéo chỉ số hàng hóa S&P GSCI lên cao hơn 12,8% trong năm 2024, đánh bại tỷ suất lợi nhuận 8% của chỉ số chứng khoán S&P 500.
Liên tiếp trong hai năm 2022 và 2023, các công ty giao dịch hàng hóa tạo ra lợi nhuận kỷ lục. 4 công ty tư nhân lớn nhất thu được lãi ròng 50 tỷ USD kể từ năm 2022.
Ông Jeff Curie, Giám đốc cấp cao của tập đoàn đầu tư Carlyle, nói với CNBC tuần trước: “Đây là đợt tăng cuối chu kỳ hàng hóa kinh điển. Các nền kinh tế khắp thế giới đang tăng trưởng, sản lượng công nghiệp đã chạm đáy và bắt đầu đi lên, trong khi đó lượng tồn kho hàng hóa lại thấp”.
Các chuyên gia cho biết có hai yếu tố chính đằng sau cơn sốt của thị trường hàng hóa.
Thiếu hụt nguồn cung
Nguồn cung thấp là nguyên nhân chính kéo giá những hàng hóa như đồng và cacao đi lên. Báo cáo ngày 15/4 của Bank of America có tiêu đề “Nguồn cung đồng đã rơi vào khủng hoảng”.
Ông lớn ngân hàng Phố Wall chỉ ra: “Nguồn mỏ đồng eo hẹp đang ngày càng kìm hãng hoạt động tinh chế đồng thô. Từ lâu, chúng ta đã bàn về việc thị trường thiếu các dự án khai thác mỏ và cuối cùng thì hậu quả cũng dần lộ rõ”.
Bank of America ước tính giá đồng sẽ đạt 11,99 USD/kg vào năm 2026, cao hơn 27% so với giá hiện nay là 9,43 USD/kg.
Tính từ đầu năm, giá đồng đã đi lên 11,6%. Hai chuyên gia Currie và Martin đều cho rằng hiện tượng này có liên quan đến sự phục hồi của hoạt động sản xuất hậu đại dịch.
Song, theo quan điểm của Bank of America, đồng cũng là vật liệu thiết yếu cho công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh và nhu cầu dành cho kim loại này sẽ tiếp tục tăng khi các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo được mở rộng.
Đối với cacao, các đợt hạn hán và tình trạng mất mùa đã khiến giá nguyên liệu sản xuất socola tăng lên mức cao kỷ lục. Trong 12 tháng qua, giá cacao giao sau đã tăng 256%. Một tấn cacao giờ có giá 10.900 USD.
Bài viết gần đây của Wall Street Journal lưu ý rằng biến đổi khí hậu có thể khiến nông sản tiếp tục bị mất mùa trong tương lai. Hạt cà phê cũng có nguy cơ rơi vào tình cảnh tương tự như cacao và giá cà phê cũng đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2024.
Toàn cầu bất ổn
Tình trạng mất cân bằng cung - cầu cũng diễn ra trong thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, giá vàng và dầu thô còn bị ảnh hưởng bởi sự khó đoán của môi trường kinh tế vĩ mô.
Cho đến nay, giá vàng đã nhảy vọt gần 15%. CEO Martin của Apex Trader Funding cho biết một phần nguyên nhân là do giá vàng không tăng đúng với tiềm năng trong năm 2023.
Ông Martin bình luận: “Vàng luôn bị tụt lại phía sau. Nhưng một khi vàng tăng giá, nó sẽ nhảy vọt”. Vào ngày 12/4, vàng leo lên mức cao nhất mọi thời đại là 2.424 USD/ounce.
Lạm phát dai dẳng, bất ổn địa chính trị và lực mua khổng lồ của các ngân hàng trung ương đã tạo ra động lực cho kim loại được coi là hầm trú ẩn an toàn này. Và cũng vì những lý do trên, ông Martin dự đoán giá vàng sẽ tăng gấp 4 lần trong 3 đến 5 năm nữa.
Dự báo của những chuyên gia khác không táo bạo đến vậy. Các nhà phân tích có tiếng như ông David Rosenberg, nhà sáng lập hãng Rosenberg Research và ông Ed Yardeni, Giám đốc công ty nghiên cứu Yardeni Research, lần lượt ước tính giá vàng sẽ tăng 30% và 50% trong vài năm tới.
Ông Yardeni cũng dự kiến giá dầu thô Brent sẽ đạt 100 USD/thùng nếu xung đột tại Trung Đông leo thang.
Một số chuyên gia thị trường cảnh báo giá hàng hóa tăng mạnh là mối nguy đối với cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương, cản trở kế hoạch giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giám đốc Currie của Carlyle nói: “Nếu Fed giảm lãi suất thì giá hàng hóa sẽ đi lên, nhưng các quan chức chưa hạ lãi suất vì giá đang ở mức cao. Rõ ràng cả hai tình huống này đều có lợi cho thị trường hàng hóa. Cũng chính vì lẽ đó, chúng tôi cho rằng hàng hóa là khoản đầu tư tốt nhất trong giai đoạn này của chu kỳ kinh doanh”.