|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Israel tính biện pháp đáp trả, nỗi lo suy thoái lơ lửng trên đầu nền kinh tế toàn cầu

08:29 | 16/04/2024
Chia sẻ
Israel tuyên bố sẽ buộc Iran trả giá sau khi Tehran thực hiện cuộc không kích quy mô lớn vào nhà nước Do Thái vào cuối tuần trước. Dù một số nhà phân tích dự đoán Israel sẽ đáp trả, thời gian và mức độ trả đũa vẫn còn là một câu hỏi.

Một hệ thống chống tên lửa hoạt động sau khi Iran phóng máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel. (Ảnh: Reuters).

Israel tuyên bố sẽ trả đũa

Vào ngày 13/4, Iran đã phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa vào các mục tiêu quân sự bên trong Israel. Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả đây là chuyện “chưa từng có” trước kia.

Iran cho biết cuộc tấn công nhằm mục đích trả đũa Israel. Tehran cho rằng Israel là bên đứng sau cuộc tấn công vào đại sứ quán của mình ở Damascus (Syria) hồi đầu tháng, khiến một số chỉ huy cấp cao thiệt mạng.

Iran nói cuộc tấn công hiện đã kết thúc. Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X: “Vấn đề có thể được coi là đã kết thúc”.

Tuy nhiên, họ cảnh báo nếu “chính quyền Israel phạm phải một sai lầm khác, phản ứng của Iran sẽ mạnh hơn nhiều”. Phái đoàn cũng nói thêm rằng Mỹ nên “tránh xa” cuộc xung đột giữa Israel và Iran.

Trước cuộc họp của Nội các chiến tranh Israel vào ngày 14/4, Bộ trưởng Benny Gantz tuyên bố sẽ “xây dựng một liên minh khu vực và buộc Iran phải trả giá theo cách thức và thời điểm phù hợp với Israel”.

Trao đổi với CNBC, ông Ryan Bohl, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại nền tảng phân tích tình báo Rane Network, nhận định: “Ngay bây giờ, Israel chắc chắn đang nghiêm túc xem xét việc tấn công trực tiếp vào Iran, vì đó là biện pháp rõ ràng nhất để răn đe Tehran”.

Tuy nhiên, ông Bohl lưu ý rằng Israel cần phải cố gắng tìm điểm cân bằng. Vị chuyên gia nhấn mạnh với CNBC rằng Israel “không muốn một cuộc xung đột công khai với Iran”.

Theo nhà phân tích của Rane Network, chiến thuật ít rủi ro hơn là “leo thang bí mật”. Người Israel “sẽ tìm cách để đưa cuộc chiến trong bóng tối trở lại bóng tối với cường độ lớn hơn”.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết, trong khi Tổng thống Biden cam kết sẽ bảo vệ an ninh của Israel trước các mối đe doạ từ Iran, ông chủ Nhà Trắng cũng nói rõ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Iran.

“Trả đũa cực đoan”

Israel và Iran đã xung đột trong nhiều thập kỷ. Iran đang tài trợ và hỗ trợ các nhóm quân sự chống lại Israel, bao gồm lực lượng Hamas ở Palestine. Cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza thường được gọi là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Israel và Iran.

Tehran cũng hỗ trợ nhóm Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen cũng như chính quyền Syria dưới thời Tổng thống Bashar Assad, theo CNBC.

Ông David Roche, Giám đốc kiêm chiến lược gia cấp cao tại hãng tư vấn Independent Strategy, nhận định: “Về mặt chiến thuật, tôi nghĩ Israel sẽ có động thái đáp trả trong vòng một tuần”.

Ông Roche không dự đoán quân đội Israel sẽ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran vì điều đó có thể “làm phật lòng tất cả những người ủng hộ họ” như Mỹ.

Theo vị chiến lược gia, phản ứng ngay lập tức của Israel có thể ở mức độ vừa phải. Song, ông không loại trừ khả năng Israel sẽ “trả đũa cực đoan” trong khoảng một năm hoặc hơn kể từ bây giờ.

“Nếu Israel trả đũa theo hướng cực đoan nhất, tôi nghĩ chuyện đó sẽ xảy ra trong vòng một năm hoặc 18 tháng tới... Israel sẽ nhằm vào năng lực hạt nhân của Iran và khi đó thị trờng sẽ rơi vào tình trạng hoảng loạn”, ông nói.

 

Đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái

Giá dầu thô đã nhảy vọt lên mức chưa từng thấy kể từ tháng 10 năm ngoái (thời điểm lực lượng Hamas tấn công bất ngờ Israel) do thị trường lo ngại căng thẳng có nguy cơ leo thang.

Trong một lưu ý vào đầu tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc (IEA) tế cảnh báo xung đột ngày càng sâu sắc giữa Israel và Iran làm tăng “nguy cơ biến động trên thị trường dầu mỏ và là một lời nhắc nhở mới về tầm quan trọng của an ninh dầu mỏ”.

Cuộc tấn công của Iran làm tăng khả năng xung đột có thể làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu qua Eo biển Hormuz, một tuyến đường thuỷ hẹp ngoài biên giới phía nam của nước này. Hơn 25% tổng lượng dầu mà thế giới tiêu thụ được trung chuyển qua đây mỗi ngày.

Chia sẻ với CNN, ông Simone Tagliapietra, thành viên cao cấp tại viện Bruegel, cho biết nếu xung đột leo thang hơn nữa, Iran có khả năng sẽ tấn công các tàu chở dầu đi qua Hormuz bằng máy bay không người lái, tên lửa hoặc tàu ngầm. Trong trường hợp xấu nhất, Tehran có thể phong toả toàn bộ eo biển này.

Ông Richard Bronze, đồng sáng lập kiêm nhà phân tích tại Energy Aspects, nói thêm rằng Iran là nhà sản xuất lớn và thành viên quan trọng của liên minh OPEC. Do các lệnh cấm vận của phương Tây, phần lớn năng lượng xuất khẩu của nước này đều sang Trung Quốc.

Iran xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 1,5% nguồn cung toàn cầu, ông Bronze cho hay. Dữ liệu của IEA cho thấy nước này sản xuất tổng cộng 3,25 triệu thùng/ngày vào tháng 3.

Nếu Iran giảm xuất khẩu dầu thô, thị trường sẽ bị tổn hại vì Trung Quốc sẽ buộc phải cạnh tranh với các nền kinh tế khác để tìm nguồn cung ở những nơi khác.

Một khả năng khác nữa là Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, có thể trả đũa bằng cách áp thêm các hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine và làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu, Washington đã nới lỏng việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ Iran để giữ nguồn cung và giá cả ở mức ổn định.

 

Hồi tháng 10 năm ngoái, Bloomberg đã đánh giá ba kịch bản liên quan đến xung đột ở Trung Đông. Kịch bản thứ ba - xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran - ít có khả năng xảy ra nhưng lại nguy hiểm hơn hai trường hợp còn lại. Đây có thể là yếu tố gây suy thoái kinh tế toàn cầu.

Giá dầu nhảy vọt và giá các tài sản rủi ro lao dốc sẽ giáng một đòn đau vào tăng trưởng, đồng thời kéo lạm phát lên cao hơn.

Giá dầu có thể sẽ không tăng gấp 4 lần như vào năm 1973 nhưng nếu Israel và Iran bắn tên lửa vào nhau, giá có thể tăng tương đương những gì diễn ra sau cuộc tấn công của Iraq vào Kuwait năm 1990.

Trong bối cảnh giá dầu hiện nay đã ở mức khá cao, mức tăng đột biến như vậy có thể kéo dầu thô lên hơn 150 USD/thùng.

Công suất dự phòng của Arab Saudi và UAE có thể sẽ không cứu vãn được tình thế nếu Iran quyết định đóng cửa Eo biển Hormuz.

Trên thị trường tài chính, tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư có thể trở nên đặc biệt đáng ngại. Chỉ số VIX dùng để đo lường mức độ biến động trên thị trường có thể tăng 16 điểm tương tự năm 1990.

Theo đó, Bloomberg dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ mất 1 điểm % xuống còn 1,7% vào năm 2024.

Rất khó để định nghĩa một cuộc suy thoái trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không tính cú sốc COVID và khủng hoảng tài chính toàn cầu, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1982, thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát.

Đồng thời, lạm phát toàn cầu có thể chạm mức 6,7% vào năm 2024. Tại Mỹ, mục tiêu lạm phát 2% sẽ nằm ngoài tầm với của Fed và giá xăng đắt đỏ sẽ là trở ngại cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden.

Yên Khê