|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức khoảng 20% công suất hệ thống

12:58 | 13/10/2021
Chia sẻ
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề xuất ưu tiên hơn phát triển điện mặt trời mái nhà với 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), giai đoạn 2019-2020, năng lượng tái tạo (NLTT) có sự phát triển rất nhanh, đặc biệt là điện mặt trời.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, 16.420 MW điện mặt trời, 514 MW điện gió, 382 MW điện sinh khối, 9 MW điện rác.

Tổng công suất lắp đặt điện NLTT chiếm hơn 25% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống

Thực tế, ở giai đoạn này sản lượng điện phát từ nguồn NLTT đạt tương ứng 5 tỷ kWh và gần 11 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao.

Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020, tiết kiệm khoảng 10.850 – 21.000 tỷ đồng.

Các nguồn NLTT đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao, đặc biệt vào khoảng tháng 5, 6.

Điều này góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác như SOx, NOx, bụi, nhiệt.

Khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức khoảng 20% công suất hệ thống  - Ảnh 1.

Đề xuất khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức khoảng 20% công suất hệ thống. (Ảnh: EVN)

Tuy nhiên, tại Diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng tái tạo của Việt Nam, hướng đến phát triển bên vững", ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng chỉ ra những hệ luỵ không nhỏ cho sự an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải 500 kV do điện mặt trời/điện gió hầu hết phát triển ở khu vực miền Nam và miền Trung.

Việc phát triển NLTT tác động đến huy động công suất và số lần tăng/giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí, làm tăng chi phí, giá thành ngành điện, nhất là trong điều kiện hiện tại một số loại hình năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành đắt hơn nhiều so với giá thành bình quân ngành điện.

Do đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề xuất khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức khoảng 20% công suất hệ thống kết hợp với việc phát triển các nguồn linh hoạt như thuỷ điện tích năng, nguồn động cơ đốt trong, pin lưu trữ.

Đồng thời, ưu tiên hơn phát triển điện mặt trời mái nhà với quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ, tương đương 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỷ lệ hợp lý khác.

Đấu nối vào lưới điện từ 35 kV trở xuống mà không yêu cầu phải cải tạo nâng khả năng tải của lưới điện hiện hữu.

Về điện gió, việc phát triển điện gió trên bờ cần được kiểm soát để tỷ lệ điện gió trên bờ và điện mặt trời ở mức hợp lý dựa trên khả năng hấp thụ và điều khiển của hệ thống điện quốc gia ở từng thời điểm, phù hợp với điều kiện kỹ thuật - vận hành để không ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống điện quốc gia và từng vùng.

Với các dự án điện gió ngoài khơi, chú trọng phát triển khi điều kiện kinh tế về chi phí đầu tư, vận hành - bảo dưỡng và hệ thống hạ tầng lưới điện giải toả công suất được chuẩn bị sẵn sàng.

Theo đó, các chủ đầu tư dự án điện, trừ một số trường hợp đặc biệt quy định trong Luật, sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu, thực hiện sau bước phê duyệ (đối với dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư) và đàm phán với EVN về giá mua bán điện theo khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Hoàng Anh