|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Không cần xuất hiện, ông Trump vẫn 'chiếm sóng' hội nghị thượng đỉnh G20

13:58 | 20/11/2024
Chia sẻ
Một số nguyên thủ quốc gia đã nhân hội nghị thượng đỉnh G20 để gửi thông điệp tới Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đặc biệt là về vấn đề thương mại.

 

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters). 

Nỗ lực gửi thông điệp

Tại lễ khai mạc hội nghị thượng định G20 hôm 18/11, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva kêu gọi các nước tăng cường theo đuổi “chủ nghĩa đa phương”. Lời nói của ông Lula da Silva dường như nhắm đến một người không có mặt tại hội trường, chính là Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Á, Âu, Phi và Mỹ Latinh tham dự thượng đỉnh G20 và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã bày tỏ mối quan ngại về viễn cảnh Mỹ trở nên “hướng nội” trong chính sách thương mại, y tế và môi trường dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Tại diễn đàn APEC, Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu: “Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới hàng trăm năm qua, không ai có thể phủ nhận được là, chỉ khi thương mại được thúc đẩy, được kết nối, người dân được tham gia và thụ hưởng thì mới có phát triển, mới có thịnh vượng và ngược lại, đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói".

"Hơn bao giờ hết, cần loại bỏ tư duy 'nhất bên thắng, nhất bên thua', không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách", ông tiếp lời.

Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden không nhắc đến ông Trump tại phiên họp về biến đổi khí hậu hôm 19/11. Tuy nhiên, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo muốn sử dụng giải pháp đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu nên giữ vững lập trường, dù ông sẽ sớm rời khỏi Nhà Trắng.

Bất chấp nỗ lực của ông Biden, một số nguyên thủ quốc gia có vẻ quan tâm hơn đến việc thể hiện họ sẵn sàng thỏa thuận với ông Trump để bảo vệ nền kinh tế. Một số khác cố nhắc nhở ông Trump rằng họ đang đầu tư vào Mỹ, mang lại lợi ích cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các quan chức cấp cao thuộc chính quyền ông Biden âm thầm bày tỏ lo ngại rằng các thỏa thuận mà họ đạt được về trí tuệ nhân tạo hoặc chống biến đổi khí hậu có thể sụp đổ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.

Ông Biden kêu gọi thế giới hợp tác để giúp Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga, làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Gaza và chấm dứt cuộc chiến ở Sudan.

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói với các phóng viên: “Chính quyền tiếp theo của Mỹ không đảm bảo với chúng tôi về bất cứ vất đề gì. Họ sẽ tự đưa ra quyết định trong tương lai”.

Khi ông Biden gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề APEC hôm 16/11, ông Tập cũng gửi thông điệp đến tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đề nghị: “Các vị hãy đưa ra lựa chọn sáng suốt… Chúng tôi sẵn sàng làm việc với chính quyền mới để duy trì đối thoại, mở rộng hợp tác và giải quyết những khác biệt nhằm nỗ lực ổn định quan hệ song phương vì lợi ích nhân dân hai nước”.

Trước nguy cơ ông Trump áp thuế quan 60% lên hàng xuất khẩu Trung Quốc, Bắc Kinh đang nỗ lực vận động hành lang để thuyết phục Washington rằng việc chĩa mũi dùi vào thương mại là sai lầm.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc cho phép Bắc Kinh đàm phán với Mỹ từ vị thế mạnh. Nhưng hiện tại, Trung Quốc dường như không có phương hướng rõ ràng để tăng trưởng và đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu.

Kém lạc quan

Theo tờ WSJ, rất ít nguyên thủ quốc gia tỏ ra lạc quan về cơ hội thuyết phục ông Trump thay đổi hướng đi. 

Ông Andrés Velasco, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Chile, nhận xét: “Tôi nghĩ thế giới đang hướng tới thời kỳ bảo hộ mới, dẫn đầu bởi Mỹ”. 

Một quan chức cấp cao của Nhật Bản, khi được hỏi về sự trở lại của ông Trump trên trường quốc tế, đã liệt kê những lợi ích mà Tokyo đem lại cho nền kinh tế Mỹ, bao gồm đầu tư trực tiếp vào ngành ô tô.

Vị quan chức cũng lưu ý rằng Nhật Bản cũng sẽ sớm chi 2% GDP cho quốc phòng. Ông nói tiếp: “Chúng tôi có thể giải quyết các vấn đề với chính quyền mới của Mỹ. Chúng tôi phải làm vậy”.

Giới chức châu Âu cũng cảnh báo ông Trump không nên buộc Ukraine chấp nhận thỏa thuận hòa bình, trong đó cho phép Nga giữ lại phần lãnh thổ đang chiếm đóng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ xung đột thương mại bùng phát. Ông nói: “Việc nền kinh tế lớn nhất thế giới phá vỡ trật tự quốc tế bằng chính sách thuế quan sẽ khuyến khích các nước khác làm theo”.

Giang