|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Không áp đặt quy chuẩn gạo Thái trong xây dựng thương hiệu gạo Việt

10:38 | 01/12/2016
Chia sẻ
"Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn sản xuất gạo theo điều kiện của Việt Nam nhưng khi nói đến thương hiệu là Việt Nam phải sản xuất gạo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và nhu cầu của nước ngoài. Dự kiến, chương trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam kéo dài đến năm 2030".

Bên lề Hội thảo “Tìm tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực lúa gạo” được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 30/11, ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản nhấn mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn về gạo nhằm hướng tới sản xuất loại gạo chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam.

Thưa ông, Việt Nam đang xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn của gạo Thái Lan. Như vậy, có thể coi là đang áp đặt tiêu chuẩn gạo Thái lên gạo Việt hay không?

Việt Nam đang thực hiện xây dựng tiêu chuẩn gạo quốc gia đối với các giống lúa thơm như Jasmine 85, Nàng Hoa 9, ST21. Ngoài việc trực tiếp khảo sát các vùng trồng lúa gạo ở Việt Nam, Bộ và các Cục liên quan cũng đã tham khảo các tiêu chuẩn của Thái Lan và các nước khác trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn phù hợp nhất cho gạo Việt Nam.

Trên thực tế, gạo Việt Nam có khi đạt tiêu chuẩn cao hơn gạo Thái Lan. Ví như, tỷ lệ hạt thóc có trong 1 kg gạo của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan, bởi trong tiêu chuẩn gạo Thái Lan có đến trên 10 hạt thóc/kg gạo. Điều đó có nghĩa là, công nghệ bóc tách hạt đã giúp gạo Việt Nam hoàn toàn sạch, gần như 100% là không còn thóc lẫn trong gạo

Tuy nhiên, tôi cho rằng, Việt Nam chỉ nên áp dụng các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu gạo, có chỉ tiêu bằng hoặc cao hơn, cũng có chỉ tiêu thấp hơn một chút so với Thái Lan. Bởi trong quá trình sản xuất, có thể xảy ra rơi rớt và rủi ro khác ảnh hưởng đến tiêu chuẩn gạo.

Thái Lan cũng là một nước có có nhiều kinh nghiệm về chế biến xuất khẩu gạo từ lâu đời mà Việt Nam có thể học hỏi. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này không áp đặt mà chỉ mang tính tham khảo để xây dựng riêng cho ngành gạo Việt Nam.

khong ap dat quy chuan gao thai trong xay dung thuong hieu gao viet 8948
Áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề giá, chất lượng, mà quan trọng là duy trì được uy tín trên thị trường thế giới (Nguồn: Vneconomy)

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang nhập những giống lúa từ nước ngoài, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo và việc xây dựng thương hiệu gạo Quốc gia, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ngành lúa gạo Việt Nam có một nền móng vững chắc nhờ có nhiều giống gạo ngon, chất lượng tốt. Bởi vậy, việc nhiều người nhận định cách xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam hiện nay là “xây nhà từ nóc” hay “mượn thương hiệu nước ngoài” là không chính xác.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, các giống lúa hầu hết là giống ngoại được nhập khẩu về gieo trồng, chăm sóc và cải tiến để thích ứng với điều kiện khí hậu, tập quán của địa phương. Điều này đồng nghĩa rằng, khi cho ra sản phẩm thì đó là gạo của Việt Nam, thương hiệu của Việt Nam.

Việc các lô hàng gạo Việt Nam bị Mỹ trả về trong thời gian vừa qua có phải liên quan đến chất lượng gạo hay không?

Các lô hàng bị Mỹ trả về do thị trường Mỹ có yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng quá cao và một phần khác do sơ suất của một số doanh nghiệp Việt Nam.

Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khoảng 250.000 đến 300.000 tấn. Tính từ năm 2004 đến nay lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ bị trả về là rất nhỏ, chỉ chiếm 0,3% số lượng hàng đã xuất sang thị trường này. Vì vậy, vấn đề đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu của gạo của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo liên tục giảm trong những tháng gần đây về cả lượng và giá trị trong khi Trung Quốc vừa tiến hành kiểm tra 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, vậy việc này có phải là nước họ đang nghi ngờ chất lượng gạo của Việt Nam hay không?

Việc giảm sản lượng giá trị xuất khẩu gạo trong thời gian qua là tình trạng chung của thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Xuất khẩu gạo không chỉ giảm tại thị trường Trung Quốc mà còn giảm mạnh ở nhiều thị trường khác. Còn mục đích Trung Quốc tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất gạo Việt Nam là nhằm đưa ra các yêu cầu để kiểm tra, không gây ảnh hưởng lớn.

Dự kiến đến khi nào chương trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam hoàn tất, thưa ông?

Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn sản xuất gạo theo điều kiện của Việt Nam nhưng khi nói đến thương hiệu, Việt Nam phải sản xuất gạo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và nhu cầu của nước ngoài. Dự kiến, chương trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam kéo dài đến năm 2030. Theo đó, người trồng lúa gạo sẽ sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của thị trường nội địa và nước ngoài.

Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN- PTNT) đã khảo sát, lấy mẫu phân tích chất lượng gạo của các giống lúa thơm là: Jasmine, Nàng hoa 9, RVT, ST20,... để đưa vào dự thảo tiêu chuẩn gạo thơm. Các giống lúa Jasmine và Thơm RVT đều có nguồn gốc từ nước ngoài (Mỹ và Trung Quốc). Tuy nhiên, đến nay, các giống này đã được thuần hóa phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam.

Theo đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ có 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu “Gạo Việt Nam” vào năm 2020 và tới năm 2030 sẽ tăng lên 50%. Trong đó, có khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm, gạo đặc sản.

Hồng Vũ