|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khối nợ gần 7.000 tỉ đô la đe dọa sức mua ở Trung Quốc

22:10 | 25/04/2018
Chia sẻ
Trung Quốc đang xây dựng một nền kinh tế đặt trọng tâm vào sức tiêu thụ trong nước nhưng khối nợ hộ gia đình gần 7.000 tỉ đô la Mỹ đang gây tác động xấu đến sức mua của người dân nước này.
khoi no gan 7000 ti do la de doa suc mua o trung quoc Tại sao Trung Quốc tiếp tục đổ tiền cho Mỹ vay?
khoi no gan 7000 ti do la de doa suc mua o trung quoc Nợ tăng cao có thể đẩy Trung Quốc vào khủng hoảng tài chính
khoi no gan 7000 ti do la de doa suc mua o trung quoc
Các khoản vay nợ hộ gia đình, đặc biệt vay mua thế chấp nhà, có thể gây tổn thương cho sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Hãng tin Bloomberg hôm 24-4 cho biết, vay nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng 10 năm liên tục, lên đến mức 6.700 tỉ đô la Mỹ, tương đương 50% GDP của nước này và điều này có thể làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng trong nước.

Huang Panpan, 33 tuổi, lãnh đạo phòng quan hệ công chúng của một công ty ở Bắc Kinh, đã vay thế chấp 460.000 đô la Mỹ để mua căn nhà 385 m2 vào năm ngoái và giờ đây, anh phải trích khoảng 50% lương để trả nợ hàng tháng. Do vậy, anh phải chuyển sang chế độ “thắt lưng buộc bụng”: giảm đi du lịch, hoãn mua xe cũng như kế hoạch khởi nghiệp.

“Tôi từng là người chưa bao giờ chú ý nhiều đến giá cả khi mua sắm hoặc đặt tour du lịch. Nhưng giờ đây vì khoản vay thế chấp đó, tôi cảm thấy áp lực tài chính đè nặng”, anh nói.

Mức nợ hộ gia đình của Trung Quốc tăng vọt phần lớn là do cơn sốt nhà đất, khiến giá nhà đất ở Bắc Kinh và Thượng Hải tăng hơn 25% trong hơn hai năm qua.

Các khoản vay thế chấp mua nhà tăng lên mức 22.900 tỉ nhân dân tệ (3.600 tỉ đô la Mỹ) vào cuối năm 2017, chiếm hơn phân nửa tổng giá trị mức nợ hộ gia đình Trung Quốc.

Trong một báo cáo vào hồi tháng 3, hai nhà phân tích Jack Yuan và Andrew Fennell của công ty xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings ước tính các khoản cho vay hỗ trợ hoạt động kinh doanh, chiếm 22% giá trị tổng nợ hộ gia đình Trung Quốc, trong khi đó, cho vay tiêu dùng chiếm gần 19%.

Nhà kinh tế trưởng George Wu ở công ty chứng khoán Huarong Securities tại Bắc Kinh cho rằng các khoản trả lãi vay thế chấp mua nhà ngày càng tăng có thể làm giảm động lực chi tiêu để mua sắm các hàng hóa khác của các hộ gia đình

“Điều này có thể gây tổn hại đến các nỗ lực của chính phủ nhằm tái cân bằng nền kinh tế hướng đến tiêu thụ trong nước”, hai nhà phân tích Jack Yuan và Andrew Fennell nhận định.

Robin Xing, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại chi nhánh ngân hàng Morgan Stanley ở Hồng Kông nói: “Các nhà hoạch định chính sách không thể cứ để nợ hộ gia đình tăng nhanh như vậy vì điều này không phù hợp với mục tiêu kiểm soát mức tăng trưởng nợ chung và không giúp cân bằng các nỗ lực của cuộc vận động giảm đòn bẩy tài chính”.

Với tốc độ tăng trưởng 6,8% trong quí 1-2018, nền kinh tế Trung Quốc đã chứng minh sức bật tốt dù đang đối mặt với chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc sẽ gặp khó nếu căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục leo thang.

Cho đến nay, tốc độ tích lũy nhanh của nợ hộ gia đình đã góp phần thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thông qua việc hỗ trợ thị trường nhà đất. Nhiều người tiêu dùng có thể đã gia tăng mua sắm hàng hóa tiêu dùng nhờ các khoản vay thế chấp mua nhà vì họ không cần phải tiết kiệm tất cả thu nhập của mình để mua nhà.

Tuy nhiên, chính điều này càng gây khó khăn hơn cho việc đưa ra các quyết định mạnh tay trong chiến dịch giảm nợ.

MK Tang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc ở Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng chính phủ Trung Quốc vừa không muốn khối nợ khổng lồ gây bất ổn cho hệ thống tài chính vừa không muốn siết quá chặt các hoạt động cho vay, có thể gây một cú sốc lớn cho các thị trường hoặc gây tổn thương cho nền kinh tế.

Cho đến nay, các cơ quan quản lý Trung Quốc chưa hành động gì nhiều để giải quyết khối nợ hộ gia đình ngoài những lời cảnh báo từ các quan chức như cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên. Tình hình sẽ rủi ro hơn đối với người vay tiền như Huang Panpan nếu lạm phát và lãi suất tăng nhanh.

“Nếu lãi suất tăng, khiến việc trả nợ gốc và lãi cho khoản vay thế chấp mua nhà tăng mạnh, tôi cần phải giảm mua sắm hơn nữa. Tôi sẽ không mua sắm bất cứ thứ gì không cần thiết”, Huang Panpan nói.

Chánh Tài