|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khối ngoại thay đổi khẩu vị M&A bất động sản

14:19 | 07/11/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia, trong bối cảnh nhiều dự án nhà ở bị vướng pháp lý, khối ngoại chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng để dễ thực hiện M&A hơn.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản nhà ở chứng kiến rất ít các thương vụ M&A đến từ khối ngoại. Một số ít thương vụ có thể kể đến như Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World, một khu dân cư rộng 50 ha tại Bình Dương. Dự án được giới thiếu có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD bao gồm shophouse, nhà phố liền kề, biệt thự compound và căn hộ…

Hoặc thương vụ Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong Dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD.

Ngoài ra, Great Master PTE.LTD (Singapore) mua lại 20% tổng vốn điều lệ của CTCP Trung Khởi, với giá trị 5 triệu USD. Được biết, Trung Khởi là doanh nghiệp đang đầu tư một số dự án lớn trên địa bàn Quảng Trị, trong đó có dự án khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú với quy mô 529 ha, tổng vốn đầu tư 4.533 tỷ đồng.  

Trong khi đó, thị trường xuất hiện thương vụ thoái vốn đáng chú ý. Cụ thể, Jencity Limited - một công ty con của Keppel (Singapore) đang tiến hành thoái 70% vốn tại Công ty TNHH Saigon Sports City (chủ đầu tư dự án Saigon Sports City 64 ha).

Tổng giá trị thương vụ ước tính từ 344 - 391 triệu SGD, tương đương 6.558 - 7.450 tỷ đồng, phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết trong theo thỏa thuận, đặc biệt là tiến độ phê duyệt pháp lý dự án.

Bên nhận chuyển nhượng bao gồm Công ty TNHH HTV Đại Phước sẽ mua 35% (qua hai đợt) và CTCP Bất động sản Vinobly sẽ mua 35%.

Giao dịch giữa Keppel và nhóm doanh nghiệp mới được diễn ra trong bối cảnh tiến độ triển khai dự án Saigon Sports City không đạt được như kỳ vọng ban đầu của chủ đầu tư.

Dự án được Keppel Land thuộc Tập đoàn Keppel hoàn tất M&A vào đầu năm 2018, khởi công từ cuối năm 2019 và dự kiến hoàn thiện vào năm 2027. Tổng chi phí phát triển dự án được công bố vào thời điểm đó hơn 500 triệu USD, mục tiêu cung cấp ra thị trường 4.300 căn hộ cao cấp.

Bà Trần Thị Khánh Linh, Phó giám đốc Bộ phận tư vấn đầu tư Savills cho biết thị trường Việt Nam vẫn luôn là nơi có cơ hội tăng trưởng cao với dòng FDI bền vững, hạ tầng đang phát triển, nhờ đó nhu cầu đối với hầu hết các phân khúc bất động sản như nhà ở, công nghiệp, thương mại văn phòng... vẫn tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

“Với việc các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản đồng loạt có hiệu lực vào tháng 8 vừa rồi tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch giúp rút ngắn thời gian phê duyệt pháp lý, giúp nhà đầu tư xác định rõ ràng chi phí đầu tư ban đầu (chi phí sử dụng đất), từ đó giúp các dự án đầu tư bất động sản trở nên hấp dẫn hơn”, bà Linh nói.

Theo chuyên gia, hiện nay các nhà đầu tư ngoại có nhiều cơ hội M&A các dự án tiềm năng hoặc hợp tác với các đối tác địa phương để phát triển các dự án lớn. Nhu cầu thị trường đa dạng thu hút các khẩu vị đầu tư khác nhau.

"Nhu cầu của khối ngoại đối với dự án bất động sản nhà ở thực chất vẫn rất lớn, không kém nhu cầu đối với các dự án khu công nghiệp, văn phòng. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ luôn yêu cầu các dự án bất động sản đều phải có hiện trạng pháp lý rõ ràng, sẵn sàng để phát triển.

Cụ thể, hầu hết các nhà đầu tư đều yêu cầu dự án cần có quy hoạch chi tiết 1/500, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn yêu cầu dự án phải có thông báo đóng tiền sử dụng đất. Trong khi đó, thời gian gần đây việc phê duyệt pháp lý dự án đang chậm lại do trong thời kỳ thay đổi nhiều bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản.

Do đó, gần đây nguồn cung các dự án bất động sản nhà ở khá hạn chế. Vì vậy, khối ngoại chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng. Đây là những dự án đang vận hành, pháp lý rõ ràng và sẵn sàng hơn, dễ thực hiện M&A hơn”, chuyên gia phân tích.

Công Tâm