|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng gần 7.000 tỉ đồng trong quí II khởi sắc, chủ yếu đến từ thương vụ VHM và ETF nội

07:09 | 08/07/2020
Chia sẻ
Trong quí II, với diễn biến tích cực của thị trường, nhà đầu tư nước ngoài rót ròng 6.999 tỉ đồng vào thị trường với khối lượng 338 triệu đơn vị.

Trong quí II, cùng với tình hình dịch bệnh trong được kiểm soát tốt, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự khởi sắc. Theo đó, VN-Index tăng 24,5% trong ba tháng, đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 6 tại mốc 825,11 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt trong quí II và tăng mạnh trong tháng 6.

Diễn biến tích cực của thị trường trong nước hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, khối ngoại rót ròng 6.999 tỉ đồng vào thị trường trong quí II với khối lượng 338 triệu đơn vị.

Khối ngoại mua ròng 8.475 tỉ đồng trên HOSE trong quí II, nhờ thỏa thuận khủng VHM

Thống kê giao dịch trên HOSE, NĐT nước ngoài mua ròng 8.475 tỉ đồng với khối lượng 197,7 triệu đơn vị.

Khối ngoại mua ròng gần 7.000 tỉ đồng trong quí II khởi sắc, chủ yếu đến từ thương vụ VHM và ETF nội - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro

Trong đó, khối ngoại tập trung mua ròng 6.986 tỉ đồng cổ phiếu, ngoài ra còn có 1.181 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội. Mặt khác, thị trường trái phiếu thu hút 326 tỉ đồng vốn từ NĐT ngoại trong ba tháng gần đây.

Tại giao dịch chứng chỉ quĩ, khối ngoại tập trung rót nghìn tỉ vào mã FUEVFVND (1.461 tỉ đồng), theo sau đó là chứng chỉ quĩ FUESSVFL với giá trị 385 tỉ đồng. Ngược lại, mã E1VFVN30 ghi nhận giá trị bán ròng 652 tỉ đồng trong quí II vừa qua.

Tại giao dịch cổ phiếu, đáng chú ý, NĐT nước ngoài rót 14.087 tỉ đồng vào mã VHM. Phần lớn giá trị giao dịch của mã này đến từ giao dịch thỏa thuận "khủng" 201 triệu đơn vị phiên 15/6, tương ứng 15.100 tỉ đồng.

Cùng ngày, tổ chức Viking Asia Holdings II PTE. LTD giao dịch lần đầu tiên làm tăng tỉ lệ sở hữu tại Vinhomes lên 5,65% (tương đương 185,84 triệu cổ phiếu).

Thông tin từ Tập đoàn Vingroup, một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có cả Temasek đã chi ra 15.100 tỉ đồng (tương đương 650 triệu USD) để đổi lấy khoảng 6% cổ phần.

Giao dịch thỏa thuận hơn 201,3 triệu cổ phần Vinhomes hôm 15/6 làm nên phiên giao dịch tỉ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cao nhất trong vòng hai năm.

Trước đó, mã VHM cũng liên tục trở thành tâm điểm giao dịch của NĐT nước ngoài với nhiều phiên ghi nhận giao dịch thỏa thuận nghìn tỉ đồng như ngày 6/5, 28/5 hay 1/6.

Bên cạnh đó, cổ phiếu thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong ba tháng qua còn có MSN với giá trị mua ròng 1.847 tỉ đồng. Liên quan đến cổ phiếu này, Tập đoàn Masan gần đây liên tục có những thay đổi mang tính quyết định từ định hướng phát triển cũng như nhân sự cấp cao.

Theo đó, ngày 19/6, HĐQT Masan đã thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Danny Le giữ chức danh Tổng giám đốc Masan Group nhiệm kì 5 năm. Được biết, ông Danny Le là người đóng vai trò quan trong trong việc xây dựng các chiến lược tăng trưởng của công ty và trực tiếp tổ chức các giao dịch M&A của tập đoàn.

Cũng trong thời gian này, Tập đoàn Masan thông tin về việc thành lập công ty CrownX nhằm hợp nhất Vinmart và Masan Consumer.

Chi tiết về "giao dịch hợp nhất", CrowX dự kiến nắm giữ 83,74% cổ phần VCM (Đơn vị sở hữu 100% vốn VinCommerce – vận hành chuỗi Vinamart, Vinmart+) và 85,71% vốn tại Masan Comsumer Holdings (Công ty sở hữu 95,24% vốn tại Masan Comsummmer).

Cùng chiều, mã VCB ghi nhận giá trị mua ròng 344 tỉ đồng trong quí II, theo sau là PLX (324 tỉ đồng), CTG (189 tỉ đồng), KDC (165 tỉ đồng), PHR (148 tỉ đồng). Ngoài ra, NVL là cổ phiếu duy nhất khối ngoại mua ròng dưới trăm tỉ đồng trong ba tháng.

Diễn biến trái chiều, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup dẫn đầu phía bán ròng với giá trị 2.018 tỉ đồng bất chấp những thông tin tích cực từ tập đoàn gần đây. Bên cạnh đó, cổ phiếu cùng "họ Vingroup" là VRE cũng trong top bán ròng với giá trị 640 tỉ đồng, theo sau là PC1 (502 tỉ đồng), STB (481 tỉ đồng).

Thông tin thêm, khối ngoại còn bán ròng hai mã CII và DBC lần lượt  471 tỉ đồng và 407 tỉ đồng. Mặt khác, các mã còn lại trong top10 bán ròng gồm HDB (399 tỉ đồng), HPG (383 tỉ đồng) và DPM (376 tỉ đồng).

NĐT nước ngoài xả 870 tỉ đồng trên HNX, gom mạnh SHB trước kế hoạch "chuyển nhà" lên HOSE

Trên HNX, khối ngoại bán ròng 871 tỉ đồng cùng khối lượng tương ứng 94 triệu đơn vị trong quí II. Hoạt động bán ra của khối này tập trung trong tháng 6, chiếm gần 50% giá trị bán ròng toàn quí.

Khối ngoại mua ròng gần 7.000 tỉ đồng trong quí II khởi sắc, chủ yếu đến từ thương vụ VHM và ETF nội - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro

Về giá trị cụ thể, NĐT ngoại tập trung áp lực xả lên cổ phiếu SHB (325 tỉ đồng) và PVS (250 tỉ đồng).

Liên quan đến cổ phiếu SHB, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận gần 3.300 tỉ đồng trong năm 2020, tăng 8% so với cùng kì. Ngoài ra, SHB đang lên kế hoạch chuyển niêm yết lên sàn HOSE.

Cùng với đó, mã SHS cũng ghi nhận giá trị bán ròng 84 tỉ đồng, VHL (77 tỉ đồng), theo sau là TNG, HUT, LAS, BVS…

Trong khi đó, chiều mua ròng không có nhiều mã đáng chú ý. Đơn cử, cổ phiếu VCS được khối ngoại mua ròng 39 tỉ đồng, kế đến có NTP (12 tỉ đồng), TKU, PVI, IDV, HAD…

Khối ngoại bán ròng 600 tỉ đồng trên UPCoM, chủ yếu tạo áp lực lên ACV

Tương tự, tại thị trường UPCoM, hoạt động bán ròng áp đảo với giá trị 606 tỉ đồng với khối lượng 46,15 triệu cổ phiếu. Các tháng đều ghi nhận giá trị bán ròng trên trăm tỉ đồng.

Khối ngoại mua ròng gần 7.000 tỉ đồng trong quí II khởi sắc, chủ yếu đến từ thương vụ VHM và ETF nội - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinPro

Tại phía bán ròng, dòng vốn ngoại chủ yếu rút khỏi ACV (355 tỉ đồng). Là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, kế hoạch kinh doanh năm 2020 của ACV sụt giảm mạnh so với năm trước.

Theo đó, mục tiêu tổng doanh thu của công ty năm nay đạt 11.317 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.007 tỉ đồng; lần lượt giảm 38% và 80% so với kết quả thực hiện năm 2019. Ban lãnh đạo doanh nghiệp trông chờ mở lại đường bay quốc tế, hi vọng không lỗ trong năm 2020.

Mặt khác, NĐT nước ngoài xả cổ phiếu TID và BSR lần lượt 284 tỉ đồng và 193 tỉ đồng. Một số mã cùng chiều như KDF, QNS, NTC, VLC, VGG…

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu LPB và VTP lần lượt ghi nhận giá trị mua ròng 108 tỉ đồng và 104 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại rót vốn cho cổ phiếu VCP, MCH, VEA, OIL, FOX…với giá trị dưới trăm tỉ đồng.

Ánh Hường

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.